.

Lật lại hồ sơ nghi phạm tấn công máy bay Mỹ

.

Nghi phạm âm mưu đánh bom máy bay Mỹ hôm 25-12, Umar Farouk Abdulmutallab, là thành viên của một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Nigeria và từng học tại những ngôi trường danh tiếng ở Togo và Anh. Tuy nhiên, các quan chức Nigeria cho hay, Abdulmutallab sùng bái tư tưởng Hồi giáo cực đoan, khiến cha đẻ của anh ta đã phải lên tiếng cảnh báo các nhà chức trách Mỹ.

An ninh đang được siết chặt tại các sân bay của Mỹ.

Khi bị giải đi trong chiếc còng số 8 khỏi chiếc máy bay mà anh ta định cho nổ tung trên đất Mỹ đúng ngày Giáng sinh, Abdulmutallab nói anh ta muốn theo đuổi lý tưởng thánh chiến tại một căn cứ của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Yemen. Các nguồn tin cho hay, Abdulmutallab là con trai của một giám đốc ngân hàng giàu có tại Nigeria. Abdulmutallab từng theo học tại Trường Quốc tế Anh danh tiếng ở Lome, Togo và sau đó là University College London.

Nhưng anh ta lại xa lánh gia đình khi trưởng thành. Bạn bè và gia đình cũng cho hay, Abdulmutallab từng bộc lộ những dấu hiệu cho thấy anh ta có thể trở thành người có quan điểm cực đoan. Michael Rimmer, giáo viên môn Lịch sử từng dạy Abdulmutallab tại Trường Quốc tế Anh ở Togo cho biết, trong một cuộc thảo luận năm 2001, Abdulmutallab là người duy nhất bảo vệ các hành động của Taliban tại Afghanistan. “Chắc hẳn anh ta đã gặp vài người cuồng tín và họ đã khiến anh ta thay đổi”, Rimmer nói.

Theo lời một quan chức, người cha của Abdulmutallab, ông Alhaji Umar Mutallab, đã tỏ ra bị sốc và rất lấy làm tiếc vì hành động của con trai mình. Bộ trưởng Thông tin Nigeria Dora Akunyili cho hay, ông Mutallab hiện đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ và sẽ không trả lời phỏng vấn báo chí. Trong khi đó, Abdulmutallab khai rằng anh ta hành động theo chỉ thị của al-Qaeda nhằm làm nổ tung một chiếc máy bay trên đất Mỹ. Anh ta mang chất bột gây nổ buộc ở chân và sử dụng một kim tiêm chứa các hóa chất để trộn với chất bột này nhằm gây nổ. Một quan chức tình báo Mỹ nói, thiết bị nổ được nghi phạm sử dụng là hỗn hợp bột và chất lỏng. Thiết bị đã không nổ khi kẻ tấn công cố gắng kích hoạt nó và nghi phạm đã bị bỏng độ 2.

Sau vụ khủng bố bất thành tại thành phố Detroit, các nhà chức trách Mỹ đã tăng cường các biện pháp an ninh đối với các sân bay, thay thế các thiết bị quét hiện đại đối với hành khách. Những biện pháp an ninh bổ sung cũng được nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới áp dụng.

 Giữa lúc Nhà Trắng đang cố gắng trấn an dân chúng, thì một vụ việc mới hôm 27-12 liên quan tới một người Nigeria khác trên chuyến bay đến từ Amsterdam khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Detroit, lại càng làm gia tăng căng thẳng trong thời điểm bận rộn nhất của ngành hàng không trong năm. Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiện đang có kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới tại Hawaii, đã được thông báo về vụ việc thông qua cuộc điện đàm với các trợ lý. Nhà lãnh đạo Mỹ đã ra lệnh thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để tăng cường an ninh cho các chuyến bay.

Abdulmutallab hiện đã được chuyển từ bệnh viện tới trại giam, trong lúc các công tố viên liên bang đang xin lệnh xét nghiệm mẫu DNA của tên này và an ninh vẫn tiếp tục được thắt chặt tại các sân bay của Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs và Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano tuyên bố, ông Obama đã yêu cầu điều tra tổng thể để bảo đảm rằng, hệ thống quét an ninh có thể loại bỏ các loại chất nổ và nhận dạng những kẻ khủng bố đã có trong hồ sơ khỏi máy bay chở khách. Tên Umar Farouk Abdulmutallab cũng xuất hiện trong danh sách cần theo dõi của các cơ quan an ninh Mỹ, song không bị thu hồi thị thực và có tên trong danh sách cấm bay của Mỹ. Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra liệu mạng lưới Al-Qaeda có liên quan đến vụ khủng bố “hụt” hôm Giáng sinh hay không, song không có bằng chứng nào về việc nghi can người Nigeria này tham gia vào một âm mưu khủng bố lớn hơn.


BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.