.

Nga và Mỹ không đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược

.

Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không đưa ra được tuyên bố nào về thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược, nhưng đã cam kết tiếp tục hợp tác để tiến tới một thỏa thuận mới. Theo giới quan sát, việc ký kết một hiệp ước mới về giải trừ quân bị sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là kể từ khi ông Obama vào Nhà Trắng.

Việc ký kết một hiệp ước mới về giải trừ quân bị sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ.

Thông báo từ Nhà Trắng và điện Kremli cho biết, thỏa thuận thay thế Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược năm 1991 (START-1) sẽ giúp điều chỉnh quan hệ song phương sau những tranh cãi gần đây. Trong tuyên bố chung, hai Tổng thống Barack Obama và Dmitry Medvedev khẳng định rằng, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để tiến tới một hiệp ước mới.

Hồi tháng 4, ông Obama và ông Medvedev đã đồng ý tiến tới một thỏa thuận mới trước khi START-1 hết hiệu lực vào ngày 5-12. Nhưng sau 6 tháng thương lượng, Nga và Mỹ đã không đạt được một hiệp ước mới thay thế cho văn bản cũ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 7 tại Moscow, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề ra mục tiêu cụ thể là mỗi bên giảm khoảng 1/3 số lượng đầu đạn hạt nhân và các phương tiện mang loại vũ khí hủy diệt này như tên lửa xuyên lục địa, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược.

Thêm một tín hiệu tạo hy vọng là vào tháng 9 vừa qua, trước sự phản đối quyết liệt của Nga, Mỹ đã hủy bỏ dự án lá chắn chống tên lửa đặt tại Đông Âu. Nhưng các cuộc thương lượng song phương đã gặp phải nhiều khó khăn và những bất đồng kỹ thuật. Về ngắn hạn, việc chưa đạt được hiệp ước mới thay thế cho START-1 không gây ra hậu quả gì, Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự chậm trễ này là một dấu hiệu xấu, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Barack Obama về giải trừ quân bị, về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố của Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ nêu rõ, hai nước tiếp tục hợp tác theo tinh thần của START nhằm duy trì ổn định chiến lược giữa hai nước, đồng thời chủ trương nhanh chóng ký kết và đưa vào thực hiện START mới. Tuyên bố nêu bật đóng góp đáng kể của Belarus, Kazakhstan và Ukraine đối với việc thực hiện thành công START-1 do Liên Xô trước đây ký với Mỹ, đồng thời xác nhận ba nước này hiện là các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
 
Phát biểu tại Washington, cố vấn an ninh cấp cao Mỹ James Jones bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận mới sẽ được ký kết, cho dù vẫn còn bất đồng giữa hai nước. Ông James Jones nói: “Không có lý do gì để nghĩ rằng một thỏa thuận mới sẽ không đạt được. Quyết tâm của hai bên là rất thực và chân thành”.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs cũng xác nhận, các cuộc đàm phán về Hiệp ước mới thay thế START-1 đang vào giai đoạn cuối, nhưng không khẳng định văn kiện sẽ được Tổng thống hai nước ký nhân dịp hai ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, sẽ được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) từ 7 đến 18-12 tới.

BĂNG CHÂU (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.