.

Người Nga tiếc nuối thời Liên bang Xô-viết

.

Theo hãng tin Interfax, các tư liệu điều tra xã hội học ở Nga cho thấy rằng, dù đã gần hai thập niên qua đi, người dân Nga vẫn nuối tiếc về sự tan rã của Liên bang Xô-viết.

Mặc dầu nước Nga ngày nay đang dần khẳng định lại vị thế của mình trên trường quốc tế, nhưng người dân Nga vẫn nuối tiếc về sự tan rã của Liên bang Xô-viết.

Người Nga hiện nay vẫn giữ thái độ tiêu cực khi nói tới sự kiện Liên Xô tan vỡ. Trong tâm trạng hoài niệm khá phổ biến đó, người dân Liên bang Nga cho rằng, lẽ ra có thể tránh được cái kết cục đáng buồn năm nào. Trung tâm Phân tích dư luận xã hội Levada cho hay, đỉnh điểm của nỗi hoài niệm Liên Xô ở các công dân của nước Nga mới, là hồi tháng 12 năm 2000 (75%). Và từ đó trở đi, nỗi buồn tiếc một thời quá khứ có vẻ nhạt phai dần dần. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, không hề giảm số lượng những người Nga tiếc nuối bởi không còn Liên Xô trên bản đồ chính trị thế giới - tỷ lệ những người có quan niệm như vậy hai năm gần đây dừng ở mốc 60%.  

Trong so sánh chung giữa các thành phần xã hội, thì tiếc nuối nhiều nhất về sự tan rã của đất nước Xô-viết vĩ đại, là những người về hưu chiếm đến 85%. Xét bình quân theo giới tính thì hoài niệm Liên Xô ở phụ nữ cao hơn, chiếm 63% so với nam giới. Xét theo lứa tuổi thì nỗi buồn nhớ thời chưa xa ở người Nga trong độ tuổi 40 - 55 là 67%, trong khi với người cao tuổi hơn, chỉ số này là 83%.

Xét theo trình độ học vấn thì 68% số người buồn nhớ Liên Xô là những người đã qua phổ thông trung học. Xét dưới góc độ kinh tế thì có 79% số người có thu nhập thấp mong trở lại thời kỳ Xô-viết. Xét theo bố cục đô thị và nông thôn thì tâm trạng hoài niệm Liên Xô phổ biến hơn ở các làng quê Nga, chiếm 66%.

Đánh giá về sự tan vỡ của đất nước Xô-viết gần hai thập kỷ trước, vào thời điểm trung tuần tháng 12-2009, 57% cư dân Nga cho rằng, quá trình tan vỡ ấy lẽ ra có thể tránh được. Với câu hỏi này, chỉ số mới nhất đó là điểm dao động so với chu trình từ năm 2004 (65%) đến năm 2008 (55%). Những người có thái độ chấp nhận lịch sử - theo khía cạnh sự tan rã của Liên Xô là không tránh khỏi - hiện nay là 28%, còn những năm trước cũng dao động trong biên độ 24-30%.  

Một câu hỏi đưa ra thăm dò dư luận xã hội Nga là “Cá nhân ông (hay bà) ủng hộ hình thức quan hệ nào giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ?”. Cũng giống như năm trước, 27% người Nga tán thành thống nhất một số nước cộng hòa vào một liên minh chặt chẽ hơn, tuy nhiên không thấy ai nói rõ đó là dạng quốc gia liên minh Nga - Belarus mà các lãnh đạo cao cấp đang hoạch định. Còn 22% có mong ước rộng hơn: Thống nhất toàn bộ các nước cộng hòa trên không gian hậu Xô-viết trong một hình thái giống như Liên minh châu Âu. 13% người Nga muốn duy trì khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) như hình thức hiện nay. 14% thấy sự tồn tại độc lập của tất cả các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là cần thiết. Tuy vậy, riêng về ý muốn thành lập lại Liên Xô thì số người nêu nguyện vọng có gia tăng. Tư liệu mới nhất ghi nhận chỉ số 16%, trong khi đó con số này vào năm ngoái chỉ có 13%.

Cách đây 2 năm, theo kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Xã hội Nga đối với khoảng 1.600 người Nga sinh sống tại 153 địa điểm dân cư thuộc 46 tỉnh, khu và nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga cho thấy, số người Nga ủng hộ khôi phục Liên Xô đã tăng từ 28% năm 2001 lên 32% và số người muốn SNG tiếp tục duy trì hoạt động đã tăng từ 15% năm 2001 lên 23%. Hơn 1/2 số ý kiến (58%) cho rằng, ban lãnh đạo Nga cần phải định hướng trước hết vào việc tăng cường quan hệ với các nước SNG, chứ không phải xích gần với phương Tây.

Có 25% số ý kiến nêu rõ Liên bang Nga cần phát triển quan hệ ngang bằng với các nước SNG và phương Tây, trong khi số người được hỏi ủng hộ việc Nga xích lại gần phương Tây chỉ chiếm 7%. Cũng trong cuộc trưng cầu này, có 47% số ý kiến khẳng định SNG sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp các sự kiện mới xảy ra tại Grudia, Ucraina và Kyrgyzstan.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.