Trong một động thái nhằm xoa dịu bầu không khí căng thẳng tại Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen, Mỹ bất ngờ đề xuất một nỗ lực đa phương trị giá 350 triệu USD, giúp các nước nghèo phát triển công nghệ sản xuất năng lượng sạch. Nỗ lực này sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng tái sinh cho các nước nghèo, bao gồm công nghệ sản xuất năng lượng Mặt trời và công nghệ phát sáng hữu cơ (LED). Bộ trưởng Môi trường Mỹ Steven Chu cho biết, Mỹ sẽ đóng góp 85 triệu USD cho chương trình này.
Những người biểu tình kêu gọi hội nghị đừng “giết chết” Nghị định thư Kyoto 1997, nghị định vốn đặt giới hạn lượng khí thải carbon đối với các nước giàu và áp dụng hình phạt nếu họ không đáp ứng được những giới hạn đặt ra đó. |
Trong khi đó, hầu hết các nước phát triển ủng hộ một thỏa thuận mới duy nhất bao gồm Nghị định thư Kyoto và chứa đựng những ràng buộc đối với tất cả các nước. Những nước giàu lo ngại với Nghị định thư Kyoto mới, Mỹ và các nước mới nổi có thể lẩn tránh những ràng buộc nghiêm ngặt về cắt giảm khí thải. Mỹ hiện vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto. Các nước châu Phi đã trở lại bàn đàm phán sau khi được các quan chức nước chủ nhà bảo đảm rằng, sẽ lưu ý nhiều hơn tới đề xuất của họ về kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị định thư Kyoto.
Trong khi đó, tại cuộc thảo luận bàn tròn, Trung Quốc đã thể hiện thái độ nhượng bộ khi tuyên bố rằng, nước này không cần nhận bất kỳ phần tài trợ nào từ phương Tây dành cho các nước đang phát triển. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi đã chỉ trích trưởng đoàn Mỹ Todd Stern có hành động “phủi tay” khi đòi loại Trung Quốc ra khỏi danh sách những nước đang phát triển được nhận tài trợ để đối phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm bà Wangari Maathai, nhà hoạt động môi trường của Kenya làm sứ giả hòa bình của Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu. |
Phát biểu trên trang mạng của điện Kremlin, Tổng thống Nga D. Medvedev nói rằng, các nước lớn cần ngay lập tức gánh vác trách nhiệm của mình, hợp tác thúc đẩy Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu đạt thỏa thuận cuối cùng. Sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là rất quan trọng.
Những nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga... cần đi đầu trong việc thực hiện nghĩa vụ cắt giảm khí thải. Ông Medvedev nhấn mạnh, trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới cần hợp tác, đạt được nhận thức chung, sự chia rẽ sẽ không đạt kết quả gì.
Tổng thống Nga cũng cho rằng, cần có sự phân biệt về nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước phát triển và đang phát triển. Mỗi nước có trình độ phát triển và tình hình đất nước khác nhau. Những cường quốc có trình độ phát triển kinh tế cao thì nhu cầu về năng lượng cũng cao hơn các nước khác.
BĂNG CHÂU