.

Nước sạch Tata Swach

.

Sau chiếc ô-tô giá rẻ, Tập đoàn Tata ở Ấn Độ tiếp tục đưa ra sản phẩm giá rẻ là bình lọc nước uống. Đây có thể là cứu cánh cho hàng trăm triệu người Ấn Độ và thế giới tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh do nguồn nước uống ô nhiễm. Quyết định công bố sản phẩm diễn ra đúng vào ngày khai mạc hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen cũng là cách đánh thức mọi người sống gần gũi với môi trường hơn.

Chủ tịch Ratan Tata trong buổi lễ công bố sản phẩm Tata Swach.

Ở vùng quê Ấn Độ, người dân có thói quen sử dụng hỗn hợp gồm gạo, cỏ khô và tro để đánh răng mỗi ngày. Giờ đây, họ có thể sử dụng hỗn hợp đó kết hợp với công nghệ nano để biến nước bẩn thành nước uống sạch hằng ngày với giá thành rất rẻ. Đó không hề là giấc mơ xa vời, bởi Tập đoàn Tata vừa công bố sản phẩm lọc nước uống sạch giá rẻ nhất thế giới có tên gọi Tata Swach.

Tata Swach là sản phẩm rất gần gũi với đời thường. Đây là thiết bị không cần sử dụng tới nguồn điện năng hay bất cứ nguồn năng lượng nào để hoạt động. Bình có dung tích 19 lít với hai mức giá là 25 USD và 34 USD, trong đó thiết bị lọc và bình chứa đều có thể thay thế được đều có giá khá thấp, vào khoảng 10 USD.
 
Sau khi đã lọc được 3 nghìn lít nước thì cần thiết phải thay thế hai bộ phận này. Với số lượng nước như thế đủ sức sử dụng trong vòng 1 năm cho một gia đình có 5 người. Tính trung bình là một gia đình như vậy chỉ tốn khoảng 1 USD để có thể sử dụng được nước sạch một cách thoải mái trong 1 tháng. Như vậy, nó sẽ giúp cho hàng trăm triệu người thoát được nguy cơ nhiễm bệnh do nguồn nước ô nhiễm.

Rất nhiều người dân châu Phi phải sử dụng nguồn nước bẩn để ăn uống.

 

Chủ tịch tập đoàn là Ratan Tata cho biết, tập đoàn đã đầu tư 350 nghìn USD cho dự án này trong vài năm qua. Dự kiến, Tata Swach sẽ được bán chính thức ra thị trường nội địa vào cuối năm nay ở 3 nơi là Maharashtra, Karnataka và Tây Bengal; và sẽ có mặt trên cả nước 6 tháng sau đó. Dự tính Tata sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm này mỗi năm. Nếu trong vòng 5 năm tới, sản phẩm chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì có thể nâng cao khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Giám đốc điều hành Mukutan có cái nhìn hết sức lạc quan khi cho rằng không chỉ có 400 triệu người Ấn Độ thiếu nước sạch sẽ cần tới Tata Swach mà Tổ chức Y tế thế giới cho biết là có đến 1,2 tỷ người trên toàn thế giới chưa tiếp cận được nước uống sạch.
 
Do đó, bên cạnh kế hoạch quảng cáo và tiếp thị, Tata sẽ làm việc với các tổ chức phi chính phủ để sản phẩm này đến với người dân nhanh hơn. Tata đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ. Nó rẻ hơn nước đun sôi, rẻ hơn nước đóng chai và rẻ hơn 2,5 lần so với thiết bị lọc nước của Uniliver.

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.