Chính phủ Honduras hôm 10-12 cho biết, kế hoạch để đưa Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya tới Mexico sống lưu vong đã bị hoãn lại, do có bất đồng trong khâu đàm phán. Các nguồn tin thân cận với ông Zelaya cho hay, ông đã dự định rời sứ quán Brazil ở thủ đô Tegucigalpa. Tuy nhiên giới chức hiện thời của Honduras cho rằng, ông Zelaya phải nộp đơn tị nạn chính trị, trong khi ông Zelaya một mực phản đối.
Những người ủng hộ ông Zelaya biểu tình ở bên ngoài Đại sứ quán Brazil trước khi ông Zelaya chuẩn bị rời khỏi Honduras. |
Ông Zelaya phát biểu trên đài Telesur rằng, ông sẽ không rời khỏi Honduras với tư cách là một người tị nạn. Giới phân tích cho rằng, việc rời đi với tư cách tị nạn sẽ làm giảm khả năng tiến hành các hoạt động chính trị của ông Zelaya ở nước ngoài. Sau đó, phát biểu trên đài phát thanh Globo, ông Zelaya đang thương lượng “một giải pháp phù hợp”, có nghĩa là ông có thể tiếp tục các hoạt động chính trị ở nước ngoài. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Honduras trước đó cho biết, một con đường ra đi an toàn đã được ký kết, cho phép ông Zelaya có thể rời đất nước.
Trước đó, Jose Alfredo San Martin - người đứng đầu Cơ quan Hàng không dân dụng Honduras - xác nhận, một máy bay từ Mexico đã đến Honduras để đón ông Zelaya. Chính phủ lâm thời Honduras tuyên bố sẽ cho phép ông Zelaya rời khỏi Honduras cũng như bảo đảm an toàn cho ông Zelaya rời khỏi nước này.
Ông Zelaya bị lật đổ trong cuộc đảo chính hôm 28-6 và đã buộc phải sống lưu vong ở Costa Rica. Hồi cuối tháng 9, ông đã trở về Honduras và lưu lại trong sứ quán Brazil. Tuy nhiên, cơ hội phục chức của ông Zelaya đã tiêu tan khi Quốc hội Honduras tuần trước biểu quyết phản đối động thái này, sau khi ông Porfirio Lobo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 29-11 mà ông Zelaya tẩy chay. Đây cũng là một thất bại đối với Mỹ, nước đóng vai trò trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Honduras và phục chức cho ông Zelaya.
Hôm 8-12, lãnh đạo 5 nước chủ chốt ở Nam Mỹ cam kết không công nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ngày 29-11 tại Honduras và coi đó là một hành động bất hợp pháp. Trong một tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 38 tại Montevideo, thủ đô Uruguay, các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên thường trực khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) - gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và Venezuela - đã lên án cuộc bầu cử sau đảo chính ở quốc gia Trung Mỹ này, bởi nó diễn ra trong bối cảnh Tổng thống hợp hiến bị lật đổ Manuel Zelaya chưa được phục chức. MERCOSUR cũng khẳng định, cuộc bầu cử ở Honduras là đòn giáng vào các giá trị dân chủ của khu vực.
Tổng thống Paraguay Fernando Lugo nhấn mạnh, chính phủ sau đảo chính của Honduras đã tạo ra một tiền lệ chính trị xấu cho khu vực Tây Bán cầu. Tuy nhiên, giữa lúc tình hình chính trị ở Honduras vẫn còn căng thẳng, thì việc ông Zelaya quyết định đến Mexico sống lưu vong được xem là một bước đột phá có lợi cho cả ông Zelaya và chính quyền mới trong thời điểm hiện nay.
GIA HUY