.
Thế giới tuần qua

Thủ tướng Nhật đang “ngồi trên lửa”

.

Trong tuần qua, một quyết định thu hút sự quan tâm của dân chúng Nhật khi các công tố viên nước này truy tố một cựu trợ lý của Thủ tướng Yukio Hatoyama về cáo buộc làm giả sổ sách, khai man hàng triệu yen tiền quyên quỹ chính trị. Mặc dầu theo các nhật báo Yomiuri và Nikkei, nhà chức trách Nhật dự kiến sẽ không buộc tội Thủ tướng Hatoyama vì thiếu bằng chứng cho thấy ông dính líu đến các hành vi sai phạm tài chính, nhưng ông Hatoyama có thể sẽ phải từ chức nếu cử tri không thấy thuyết phục trước những lời giải thích và thất vọng với sự lãnh đạo của ông.

Các cử tri Nhật có còn ủng hộ ông Hatoyama hay không còn tùy thuộc vào lời giải thích của ông về các cáo buộc vi phạm tài chính.

Ông Hatoyama cùng Đảng Dân chủ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng 8, đánh bại đối thủ bảo thủ của Đảng Dân chủ tự do sau nhiều năm nắm quyền. Hôm 24-12 ông đã phát biểu rằng, ông sẽ không từ chức sau khi hai cựu phụ tá thân cận của ông bị truy tố do liên quan đến các hồ sơ tài trợ chính trị giả và việc khai man hàng triệu yen của các ông này. Tuy nhiên, những cáo buộc này vẫn sẽ tạo ra không ít thách thức đối với quyền lãnh đạo của ông Hatoyama, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông đã giảm xuống còn dưới 50% so với mức đỉnh ban đầu trên 70%, do sự hoài nghi từ dân chúng đối với năng lực đưa ra các quyết định cứng rắn về kinh tế và ngoại giao của ông ngày càng tăng lên.

Các cuộc thăm dò dư luận của giới truyền thông trước khi có những cáo buộc này cho thấy, hầu hết các cử tri đều cảm thấy rằng ông Hatoyama không cần phải từ chức trong vụ việc liên quan tới việc bà Yasuko - mẹ của ông và cũng là nữ thừa kế Công ty săm lốp Bridgestone, đã chuyển một phần các khoản tiền vào quỹ hoạt động chính trị của ông để tránh thuế thừa kế hãng sản xuất lốp Bridgestone Corp.

Nhưng sau cuộc họp báo của ông, ý kiến của công chúng có thể sẽ thay đổi. Trong một bài xã luận, báo Mainichi cho biết: “Nếu có bất kỳ mâu thuẫn với lời giải thích của mình trong tương lai, tình hình hoàn toàn có thể thay đổi... Nếu điều đó xảy ra, có thể Thủ tướng sẽ buộc phải quyết định từ chức hay không”.

Sự sụt giảm tín nhiệm sẽ lấy đi cơ hội giành được đa số ghế trong một cuộc bầu cử Thượng viện vào giữa năm 2010 của Đảng Dân chủ, buộc họ phải phụ thuộc vào hai đối tác liên minh nhỏ hơn có quan điểm mâu thuẫn và sẽ làm cho quá trình hoạch định chính sách bị xáo trộn thêm nữa. Thất bại này có thể sẽ tạo ra một sự bế tắc chính sách, bởi Thượng viện có thể trì hoãn các dự luật.

Ông Hatoyama vẫn để ngỏ khả năng thay đổi quyết định và có thể ra đi nhưng nói rằng, lúc này ông tin rằng việc từ chức của ông sẽ phản bội lại những hy vọng của các cử tri-những người luôn ủng hộ ông. Chính phủ của ông đã cam kết sẽ quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của người tiêu dùng và người lao động, và đã tích cực làm việc hôm 25-12 nhằm quyết toán dự thảo ngân sách của năm. Ngân sách mới có thể sẽ được bổ sung thêm  44 nghìn tỷ yên (481 tỷ USD) bằng các khoản vay mới vào khoản nợ Chính phủ vốn đã khổng lồ.

 Theo kết quả thăm dò qua điện thoại của hãng Kyodo tiến hành trong hai ngày 25 và 26-12 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Hatoyama giảm 16,5 điểm so với cuộc thăm dò được thực hiện cách đây khoảng một tháng, trong khi tỷ lệ những người không ủng hộ ông tăng 13 điểm - lên 38,1%. Cũng theo cuộc thăm dò này, có tới 76,1% những người được hỏi cảm thấy chưa tin tưởng vào lời giải thích của ông Hatoyama về vụ bê bối tài chính.

Chỉ có 17,8% cho rằng lời giải thích của ông là đáng tin. Đặc biệt, khi được hỏi liệu Thủ tướng Hatoyama có nên từ chức hay không, 64,3% số người được hỏi nói rằng, vẫn muốn ông tại nhiệm nhưng nhấn mạnh ông Hatoyama nên cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình và đưa ra lời giải thích đầy đủ về vụ việc trên, trong khi 21,1% cho rằng ông nên từ chức. Rõ ràng, với vụ bê bối ngân quỹ, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang như “ngồi trên lửa” trước áp lực đòi từ chức của dư luận sau khi ông lên nắm quyền chưa được bao lâu.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.