.

Thêm 6 ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa do thua lỗ

.

AmTrust Bank có tổng trị giá tài sản khoảng 12 tỷ USD và 8 tỷ USD tiền gửi của khách hàng
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), ngày 4-12 đã đóng cửa thêm 6 ngân hàng, nâng tổng số các ngân hàng bị "xóa sổ" do làm ăn thua lỗ trong năm 2009 lên 130 trường hợp, cao nhất trong gần 20 năm qua.

Sáu nạn nhân mới của suy thoái kinh tế và hàng núi tiền nợ xấu gồm AmTrust Bank, Buckhead Community Bank, First Security National Bank, Tattnall Bank, Benchmark Bank và Greater Atlantic Bank, trong đó AmTrust Bank là ngân hàng lớn nhất với tài sản trị giá khoảng 12 tỷ USD và tổng tiền gửi là 8 tỷ USD.

AmTrust Bank cũng là ngân hàng lớn thứ tư trong số các ngân hàng bị sụp đổ trong năm nay. Toàn bộ 66 chi nhánh của AmTrust Bank trên toàn nước Mỹ sẽ mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tuần tới với tên gọi là "Chi nhánh của ngân hàng New York Community Bank" có trụ sở tại bang New York.

Sự sụp đổ của ngân hàng này khiến Quỹ bảo hiểm tiền gửi của liên bang thiệt hại khoảng 2 tỷ USD. Số tiền bảo hiểm tiền gửi cho 5 ngân hàng còn lại sẽ là 384 triệu USD.

Do kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giá nhà đất sụt mạnh và nợ khó đòi ngày càng lớn, nhiều ngân hàng Mỹ đã phá sản. Sự sụp đổ của 130 ngân hàng trong năm 2009 đã gây tổn thất cho Quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang 28 tỷ USD.

Cùng với sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng, một động thái đáng chú ý đối với nền kinh tế Mỹ là mức thâm hụt ngân sách. Trong báo cáo đánh giá tình hình ngân sách liên bang công bố ngày 4/12, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết ngân sách liên bang của nước này thâm hụt 292 tỷ USD trong tháng 10 và 11, hai tháng đầu tiên của tài khóa 2010.

Theo cơ quan trên, trong tháng 11, tổng thu ngân sách là 132 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2008, một phần là do việc áp dụng quy định mới đối với việc tăng xóa nợ thuế cho các công ty.

Tổng chi ngân sách cũng giảm 23 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái do chính phủ giảm chi cho các chương trình liên bang được cho là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính.

Trước đó, ngày 12-11, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố khoản thâm hụt ngân sách tháng 10 lên tới 176,36 tỷ USD, mức thâm hụt hàng tháng cao thứ 5 từ trước đến nay và cao hơn hẳn mức thâm hụt 155,5 tỷ USD của tháng 10-2008.

Cách đó không lâu, Mỹ đã công bố mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục 1.417 tỷ USD cho tài khóa 2008-2009 (kết thúc cuối tháng 9-2009), chiếm gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là mức thâm hụt cao nhất so với GDP kể từ năm 1945 tới nay.

Ngày 3-12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách hiện ở mức hai con số xuống 3% GDP trong trung hạn, nhằm đưa nền kinh tế Mỹ vốn đang điêu đứng vì suy thoái trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

(TTXVN/Vietnam+)

;
.
.
.
.
.