.

Triển vọng tươi sáng với kinh tế Mỹ đầu năm 2010

.

Mỹ - nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là khởi nguồn cho cuộc suy thoái kinh tế lan rộng ra thế giới - đang có những dấu hiệu phục hồi kinh tế. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế thế giới sau một thời gian khủng hoảng kéo dài.

Những dấu hiệu phục hồi kinh tế Mỹ đang có những ảnh hưởng tốt tới thị trường chứng khoán.

Mặc dù một vài báo cáo gần đây cho thấy thị trường lao động và các khoản vay ngân hàng có vẻ đi xuống, nhưng đó được cho là những yếu tố ngược chiều trong một tổng thể đang tốt dần lên. “Thực tế là khả năng hồi phục kinh doanh đã bắt đầu bén rễ, đáng chú ý phải kể tới sản lượng và doanh số bán của ngành kinh doanh”, ông Neal Soss – chuyên gia kinh tế của Credit Suisse tại New York nói.

Theo các nhà phân tích dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 được cải thiện và khả năng thất nghiệp đang được ghìm lại, chứ không phải ngoài tầm kiểm soát. Điều tra của Bloomberg cho thấy, mức tiêu dùng trong tháng 10 có thể đã tăng 0,5% sau khi giảm xuống 0,5% vào tháng 9.

Các con số khác chỉ ra đơn đặt hàng sản xuất hàng hóa lâu bền và doanh thu nhà dân dụng đều tăng lên. Để bảo đảm nền kinh tế không bị đảo lộn quá nhiều, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Bernanke cùng các cộng sự của mình khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ không thay đổi - giữ mức lãi suất gần bằng không - cho tới năm 2010.

Đầu tiên là việc mức tiêu thụ các căn hộ hiện có tăng 2,3% trong tháng 10 lên mức 5,7 triệu căn hộ, mức cao nhất kể từ tháng 7-2007 đến nay. Tiếp theo là doanh số bán của ngành công nghiệp ô-tô, cụ thể là xe tải hạng nhẹ tăng tới 10,5 triệu chiếc trong tháng 10, lên tới 14% so với tháng trước. Bên cạnh đó, báo cáo thu nhập của Bộ Thương mại vào ngày 24-11 đã chỉ ra lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng 10, mức lợi nhuận lớn nhất trong 5 tháng qua.
 
Bản điều tra triển vọng về tình trạng kinh tế trong tháng 11 vừa được Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế Kinh doanh (NABE) đưa ra cho thấy, các nhà kinh tế hy vọng số người mất việc làm sẽ giảm xuống trong quý đầu tiên của năm 2010. “Trong một vài tháng tới, các công ty sẽ tuyển thêm số lượng nhân công thay vì cắt giảm công việc”, ông Lynn Reaser, nhà kinh tế trưởng của NABE nói.

Trong khi đó, khả năng hồi phục thị trường nhà ở sẽ góp phần đem lại đà tăng trưởng cho kinh tế Mỹ, một phần nhờ vào chính sách lãi suất thấp của Fed. Số nhà xây mới trong năm tới hy vọng sẽ tăng lên 36% và đầu tư nhà dân dụng tăng 9%. Với khoản chi tiêu của người tiêu dùng - yếu tố chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ - sẽ chỉ ở mức khá “lờ mờ” do công nhân vẫn tiếp tục lo lắng về công ăn việc làm và khả năng đầu tư. Các nhà kinh tế trong NABE cũng hy vọng để thấy “mức tăng khiêm tốn” khi người tiêu dùng tiết kiệm hơn.

Mặc dầu đã có những chuyển biến khởi sắc nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn còn tăng trưởng ít hơn dự tính. Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố chính thức, tăng trưởng GDP của nước này trong quý 3-2009 đạt 2,8%, thấp hơn ước tính sơ bộ trước đó, do thâm hụt thương mại của Mỹ tăng khi các công ty nước này tăng cường nhập hàng về phục vụ sản xuất khi kinh tế có dấu hiệu khởi sắc.

Mặc dầu nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục nhưng người tiêu dùng vẫn còn tiết kiệm chi tiêu do tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.

 

Trong tương lai gần, Tổng thống Obama đang tìm cách giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống một nửa. Ông lập kế hoạch tổ chức cuộc họp cấp cao về tình trạng việc làm vào tháng tới; triệu tập các lãnh đạo và chuyên gia kinh doanh tìm ra các giải pháp đẩy việc làm lên cao.
 
Theo điều tra mới nhất, các nhà kinh tế cho rằng tình trạng việc làm sẽ giảm bớt nhiệt, nền kinh tế sẽ dần hồi phục tới năm 2010. Ông Obama cho rằng, sự hồi phục kinh tế của Mỹ “đang đi đúng hướng” nhờ các chính sách kích thích kinh tế hiệu quả của Chính phủ nước này. Đây là lần tăng đầu tiên trong hơn một năm qua và là lần tăng với tốc độ cao nhất trong hai năm qua của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama cũng không quên nhấn mạnh rằng, mặc dù nền kinh tế đang có đà khôi phục đáng lạc quan, nhưng vẫn còn “một con đường dài phía trước” trước khi nước Mỹ trở lại “thời thịnh vượng”.

GIA HUY

 

;
.
.
.
.
.