.
TRUNG QUỐC:

Hàng nghìn di tích lịch sử biến mất

.

Trong lịch sử Trung Quốc có đã có hai lần thống kê các di tích lịch sử là vào năm 1956 và 1982. Cuộc điều tra tiêu tốn hơn 1 tỷ nhân dân tệ đã thực sự làm mọi người giật mình khi có đến hàng chục nghìn di tích đã biến mất, chủ yếu vì phải “hy sinh” cho sự phát triển của đất nước.

Khu vực di tích Qianmen đã được đập bỏ để xây mới

Nhiều quan chức của Ban Quản lý Di sản văn hóa (SACH) thừa nhận là rất nhiều di tích đã vị xóa sổ khi họ thực hiện công việc thu thập và biên soạn tài liệu các lăng mộ cổ, đền thờ, nhà và các di tích khác. Thực tế 2 thập niên qua là giai đoạn khốc liệt nhất với các di sản lịch sử, bởi người ta đã chấp nhận “hy sinh” di tích để cho sự nghiệp phát triển của đất nước, chủ yếu là mở rộng khu dân cư và làm thủy điện. Một quan chức của SACH giấu tên nhận định cay đắng rằng đây là giai đoạn tàn phá di tích nặng nề nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Những phố cổ ở Dinghai, Zhejiang đã biến mất hoàn toàn. Ngôi nhà mang kiến trúc cực kỳ đẹp của Thượng Hải dưới sự bảo vệ của chính quyền thành phố cũng đã biến mất. Tháng trước, có nhiều nguồn tin cho biết là Vạn lý trường thành cũng đã bị phá hoại một đoạn dài. Bên cạnh việc hủy hoại thì cách tái tạo di tích cũng nguy hiểm không kém. Chẳng hạn như trường hợp của Qianmen, một khu vực mua bán sầm uất ngay tại thủ đô Bắc Kinh đã bị đập phá để xây mới. Dù kiến trúc giống như cũ nhưng không thể gọi là di tích.

Shan Jixiang, người đứng đầu SACH nói rằng, đã xác định hơn 775 nghìn di tích và hy vọng sẽ hoàn tất tập tài liệu này trước năm 2011. So với tài liệu thông kê lần trước vào năm 1982, có tới 30.995 di tích đã biến mất. Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích.
 
Thứ nhất là cách thống kê lần đó không chính xác; cách tính cũng khác nhiều như lần trước xác định có cái theo cụm nhưng nay được tính riêng lẻ. Thứ hai là thiên tai như động đất, lũ lụt đã tàn phá không ít di tích. Thứ ba và cũng là nguyên nhân lớn nhất là sự hủy hoại của con người khi cố tình đập bỏ những di tích cho sự phát triển. Khi nền kinh tế đất nước phát triển, các dự án thủy điện được tập trung đầu tư đã phải “hy sinh” cả vùng đất rộng lớn. Quá trình di cư từ nông thôn ra thành thị với tốc độ cao đã buộc phải mở rộng đô thị, làm cho nhiều di tích biến mất.

Lui Xiaohe, Phó trưởng Bộ phận điều tra lần này nói với tờ China Daily rằng việc bảo vệ di tích là cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như việc bỏ ra tới 300 triệu nhân dân tệ để di dời đền Zhangfei 1700 năm tuổi ở Sichuan để xây dựng đập Tam Hiệp vẫn có giá trị hơn là phá bỏ hẳn.

Tuy nhiên, chuyện bảo vệ là hết sức khó khăn, bởi vì toàn Trung Quốc có tới 800 nghìn di tích nhưng lực lượng làm công tác bảo vệ, bảo tồn chỉ có 80 nghìn người. Chính vì thế, công tác bảo vệ di tích chỉ tập trung vào một số di tích lớn. Ông Lui cho rằng hiện nay có đến 30 nghìn khu vực có di tích, nên vấn đề là phải thức tỉnh ý thức bảo vệ di tích của chính quyền địa phương. Họ cần phải có sự hài hòa giữa phát triển trong thời kỳ mới với bảo vệ di tích lịch sử.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.