.

Afghanistan: Khởi xướng kế hoạch thu phục Taliban

.
(ĐNĐT) - Kế hoạch do chính phủ Afghanistan khởi xướng nhằm tái hòa nhập những thành viên của Taliban vào một xã hội tôn trọng luật pháp đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại hội nghị hôm qua (28-1) 

 
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai gặp gỡ Thủ tướng Anh Gordon Brown tại London trước hội nghị hôm 28-1
Tại phần kết luận của cuộc họp một ngày tại London, các đại biểu đã đưa ra một thông cáo thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch mà Tổng thống Hamid Karzai trình bày trước đó trong ngày.

Theo tuyên bố chung, việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh của Afghanistan có thể hoàn tất trong vòng 5 năm. Ngoại trưởng Anh David Miliband nói rằng 2010 là một năm "quyết định" bởi vì một chính phủ mới đã vào guồng, tuy nhiên vẫn cảnh báo về tình trạng nổi loạn "được khôi phục lại".

Tại hội nghị, Tổng thống Hamid Karzai đã thông báo các kế hoạch thuyết phục các thành viên Taliban từ bỏ bạo lực và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Thông cáo cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh đã hoan nghênh mục tiêu của Afghanistan nhằm kiểm soát "phần lớn các hoạt động quân sự tại các khu vực bất ổn tại Afghanistan trong vòng 3 năm và chịu trách nhiệm về an ninh trong 5 năm".

Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho lực lượng Afghanistan, nâng tổng số của quân đội lên 171.600 và tổng số cảnh sát lên 134.000 cho đến tháng 10-2011.

Một trọng tâm của hội nghị là đề xuất "chi tiền vì hòa bình" trị giá 500 triệu USD nhằm đưa các chiến binh Taliban trở về với cuộc sống thường dân nếu họ hứa từ bỏ bạo lực. Số tiền này sẽ dùng để tạo việc làm và nhà ở để xoa dịu thái độ của thành viên Taliaban.

Các nhà tài trợ lớn được đề nghị tuyên bố các khoản tiền ủng hộ cho nỗ lực này và Ngoại trưởng Mỹ thông báo sau khi kết thúc hội nghị rằng Nhật đã ủng hộ 50 triệu USD cho kế hoạch này.

Chính phủ Afghanistan đã thừa nhận rằng họ phải đối phó với tham nhũng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng các kế hoạch cải cách mà Tổng thống Karzai đưa ra, như đối phó vói tham nhũng và quản lý hiệu quả nguồn viện trợ là rất quan trọng và Mỹ sẽ giám sát các kế hoạch này cẩn thận.

Việc chuyển giao an ninh từ các lực lượng quốc tế sang lực lượng Afghanistan cũng sẽ tạo điều kiện để Mỹ bắt đầu cho rút binh lính của mình khỏi đất nước này vào giữa năm 2011. Tuy nhiên, bà Clinton nói rằng, đây không phải là một chiến lược rút quân, mà là việc hỗ trợ và đồng hành cùng với người dân Afghanistan".

Hội nghị thượng đỉnh cho rằng chính phủ Afghanistan đã có những tiến bộ trong phát triển kinh tế và hy vọng rằng nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Nhật Lê (Theo BBC, CNN)
;
.
.
.
.
.