Mỹ vừa cho biết, nước này đã bắt đầu thảo luận với các nước khác về những biện pháp trừng phạt mới, để tìm cách gây sức ép đối với Chính phủ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran, nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thăm cơ sở làm giàu |
Cùng ngày, Trung Quốc - nước trước đây vẫn luôn đứng về phía Iran - bất ngờ kêu gọi Iran nhất trí với đề xuất của Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng nghiên cứu của Tehran. Đây được xem là một động thái làm gia tăng thêm áp lực cho Chính phủ Iran về vấn đề hạt nhân. Trong thông báo được đưa ra tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ một sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan về việc sớm công bố một dự thảo thỏa thuận do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đề xuất, liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran. Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi trên hai ngày sau khi Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki ra “tối hậu thư” yêu cầu từ nay đến cuối tháng 1, phương Tây phải chấp nhận những đề xuất của Tehran về kế hoạch trao đổi uranium, nếu không Iran sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Trong khi đó, các nguồn tin tại Liên Hợp Quốc cho biết, Iran đã chính thức bác bỏ vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc về các trợ giúp kinh tế để ngừng chương trình vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, nước này yêu cầu phương Tây phải đáp ứng tối hậu thư chuyển giao ngay lập tức nhiên liệu hạt nhân, nếu không Iran sẽ bắt đầu làm giàu uranium để sản xuất nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân ở Tehran và sẽ xây dựng thêm 10 nhà máy làm giàu uranium mới.
Theo đề xuất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran sẽ chuyển phần lớn uranium đã được làm giàu ở cấp độ thấp của họ sang Nga và Pháp để làm giàu lên cấp cao hơn, sau đó số uranium này sẽ được chuyển trở lại Iran phục vụ lò phản ứng nghiên cứu ở thủ đô Tehran. IAEA ra thời hạn chót 31-12-2009 để Iran chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, Tehran đã bỏ qua thời hạn trên đồng thời đưa ra đề xuất mới, theo đó phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Iran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy uranium làm giàu ở cấp độ thấp của nước này, song việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt. Những điều kiện này khiến các nước phương Tây khó chấp nhận, do lo ngại sẽ tạo điều kiện cho Tehran có đủ nhiên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Truyền thông Iran tiết lộ, Bộ Tình báo Iran đã lên danh sách 60 cơ quan, tập đoàn có trụ sở đặt tại Mỹ, được xem là tổ chức “chiến tranh mềm” chống lại nước này, trong số đó có Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Hãng Thông tấn BBC và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Bộ này cũng kêu gọi người dân Iran tránh xa bất kỳ các mối quan hệ bất thường nào với các tổ chức trong danh sách nói trên, đồng thời tuyên bố rằng, sẽ là bất hợp pháp nếu ký các hợp đồng với các tổ chức này hoặc nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. (Nguồn CNN) |
BĂNG CHÂU