.

Mỹ và Hàn Quốc từ chối đề nghị đàm phán của Triều Tiên

.

Đề xuất của Bình Nhưỡng về thảo luận một hiệp ước hòa bình thay thế hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên đã không được Mỹ và Hàn Quốc hoan nghênh. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P. Crowley tuyên bố, Triều Tiên phải quay trở lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân trước khi Washington thảo luận về đề nghị tiến hành đàm phán hiệp ước hòa bình thay thế hiệp định đình chiến. Ông Crownley cũng bác bỏ đề xuất của Bình Nhưỡng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như một điều kiện để nối lại đàm phán sáu bên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Il (giữa) trong chuyến đi thị sát công trường xây dựng nhà máy năng lượng số 2 Ryesonggang Youth ở tỉnh Bắc Hwanghae, Triều Tiên.  

Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nói rằng, đề xuất của miền Bắc không tác động tích cực đến việc nối lại đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo quan chức này, các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình và các cuộc thương lượng về hạt nhân “không thể song hành”. Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ý tưởng của Triều Tiên không được hoan nghênh và Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra phản ứng chính thức sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.

Hôm 11-1, Bình Nhưỡng đã bày tỏ mong muốn sớm đạt được một hiệp định hòa bình tại một diễn đàn riêng, hoặc trong khuôn khổ đàm phán sáu bên, gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố có thể sớm quay trở lại bàn đàm phán này nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố chính thức lập trường của mình kể từ sau chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth tháng 12-2009.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, việc nối lại đàm phán 6 bên phụ thuộc vào sự cải thiện quan hệ với Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên có thể đang cố gắn các điều kiện với việc nước này trở lại bàn đàm phán có sự tham gia của cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Phủ Tổng thống Hàn Quốc từng tuyên bố, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Bà Kim Eun-hye, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ, quan hệ liên Triều cần phải được nâng lên mức mà hai bên có thể gặp nhau thường xuyên và thảo luận các vấn đề khi cần thiết.

“Mỹ sẽ thúc đẩy thảo luận về mọi vấn đề nếu Triều Tiên nhất trí quay lại đàm phán sáu bên và thực thi các biện pháp nhằm đình chỉ chương trình hạt nhân của mình”, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs tuyên bố.

Nhưng trước hết cần phải cải thiện điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở nguyên tắc phi hạt nhân hóa. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cam kết cải thiện quan hệ với Triều Tiên trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới và đề nghị thành lập một tổ chức phụ trách đối thoại thường xuyên giữa hai miền.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, song trên thực tế, hai miền vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do chưa đạt được một hiệp định hòa bình.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.