.

Nghi vấn quanh vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran

.

Giữa lúc các “ông lớn” đang chuẩn bị triệu tập một cuộc họp tại New York, Mỹ vào cuối tuần này, để bàn về một lệnh trừng phạt mới với Iran khi nước này từ chối ngừng hoạt động chương trình hạt nhân, thì cái chết hôm 12-1 của vị giáo sư hạt nhân thuộc Trường Đại học Tehran – ông Massoud Ali Mohammadi – đang dấy lên những lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ, Israel và Iran.

Nhà vật lý hạt nhân Mohammadi.
Theo các nhà phân tích, những vụ tấn công bằng bom kiểu trên, rất hiếm khi xảy ra tại thủ đô của Iran, đặc biệt nay lại nhằm vào nhà khoa học hạt nhân của nước này trong thời điểm nhạy cảm của cuộc tranh cãi giữa phương Tây và Iran về tham vọng hạt nhân của nước này. Iran đã lên tiếng cáo buộc hai kẻ thù lớn, Mỹ và Israel đứng đằng sau vụ việc. Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố, đây là “dấu hiệu hình tam giác của chính quyền Do Thái (Israel), Mỹ và những điệp viên đi thuê của Mỹ đã hiện rõ trong hành động khủng bố đó”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định lập trường cứng rắn của mình rằng, “hành động khủng bố như vậy và quyết tâm tiêu diệt nhà khoa học hạt nhân của Iran sẽ không thể cản trở quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của Iran”.

Theo Đài Truyền hình quốc gia Iran Press TV, khi giáo sư Massoud Mohammadi đang rời nhà để tới nơi làm việc thì quả bom được gài trên một chiếc xe gắn máy đậu bên ngoài phát nổ. Vụ nổ đã khiến cửa sổ nhà ông tại khu Qeytariyeh, bắc Tehran, vỡ vụn và vỉa hè bên ngoài nhà dính đầy máu. Hãng thông tấn bán chính thức ISNA dẫn lời Giáo sư Abbas Jafari Dolatabadi tại Tehran khẳng định, ông Massoud Mohammadi bị giết.

Đài Truyền hình Press TV cũng cho biết, ông Mohammadi là “người ủng hộ trung thành” cho cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở nước này. Trong khi đó, Đài Phát thanh quốc gia IRIB mô tả, ông Ali-Mohammadi là một nhà khoa học tận tụy, một nhà khoa học cách mạng, người ủng hộ Chính phủ của Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad. Hãng tin bán chính thức Fars trích lời một trong các sinh viên của ông Mohammadi nói, ông đã hợp tác với lực lượng tinh nhuệ Bảo vệ cách mạng tới năm 2003.

Các nhà điều tra đang khám xét hiện trường của vụ đánh bom bên ngoài nhà Giáo sư Mohammadi.

Ngược lại, trên trang web của lực lượng đối lập - Jaras, ông Mohammadi lại là người ủng hộ phe đối lập. Theo đó, tên ông này nằm trong danh sách hàng trăm học giả đã ra tuyên bố ủng hộ ứng viên theo đường lối ôn hòa Mirhossein Mousavi trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 6-2009. Một phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran là Ali Shirzadian nói, Ali-Mohammadi không làm việc cho tổ chức này. Ngoài ra, website của Trường Đại học Iran cũng cho thấy, những nghiên cứu gần đây của giáo sư này chỉ là bản chất của năng lượng tối, một lĩnh vực lý thuyết về vũ trụ học.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, cơ quan tình báo Iran hiện đang tiến hành điều tra vụ việc và đã “có những dấu hiệu” về sự dính líu của Israel và Mỹ trong vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân kể trên. Trưởng công tố Tehran Abbas Jafari Dolatabadi cũng quy trách nhiệm cho các cơ quan tình báo của Israel và Mỹ “nhúng tay” vào vụ đánh bom trên.

Tuy nhiên, Mark Fitzpatrick, nhà phân tích về phổ biến hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London nói, trong quá khứ, Israel thường thủ tiêu những người tham gia chương trình hạt nhân mà nước này coi là thù địch. Theo ông, vụ tấn công vừa xảy ra không phải là một phần trong chiến lược của Mỹ hoặc Israel về việc tiêu diệt bộ não của quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Hiện Mỹ và Israel chưa có bình luận gì về vấn đề này.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.