Cuối tuần qua, Iran đã ra “tối hậu thư” từ nay đến cuối tháng phương Tây phải chấp nhận những đề xuất của Tehran về kế hoạch trao đổi uranium, nếu không Iran sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki tuyên bố, phương Tây chỉ còn đúng một tháng để quyết định có chấp nhận những điều kiện của Iran hay không. Đây là một động thái mới nhất trước thềm năm mới, khiến dư luận có cảm giác Iran đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể đến với họ.
Một chuyên gia kỹ thuật đang nhìn vào chiếc camera của IAEA lắp đặt tại cơ sở làm giàu uranium Isfahan. |
Tuy nhiên, Iran đã bỏ qua thời hạn chót nói trên, đồng thời đưa ra đề xuất của nước này, theo đó phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Iran, hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy uranium làm giàu ở cấp độ thấp của Iran, song việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt. Những điều kiện này khiến các nước phương Tây khó chấp nhận do lo ngại sẽ tạo điều kiện cho Tehran có đủ nhiên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mottaki tuyên bố: “Họ phải quyết định cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng nghiên cứu của Iran theo hai cách, mua bán hoặc trao đổi, nếu không các chuyên gia của Iran sẽ tự sản xuất uranium làm giàu cấp độ 20%”.
Ngay lập tức, Nhà Trắng đã thẳng thừng bác bỏ “tối hậu thư” do Iran đưa ra và cho rằng, Iran đang “nhất quyết theo ý mình” khi đòi các cường quốc phải chấp nhận những đề xuất của Tehran về kế hoạch trao đổi uranium. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Mike Hammer, đề xuất hiện tại của IAEA đối với Tehran là “thỏa đáng”.
Ông nói: “IAEA đã có một đề xuất cân bằng trên bàn thương lượng phù hợp với yêu cầu riêng của Iran về nhiên liệu hạt nhân và nó đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu mục tiêu của Iran là được tiếp cận nhiên liệu hạt nhân, thì hoàn toàn không có lý gì để nói rằng đề xuất ấy không thích hợp. Vấn đề là ở chỗ Chính phủ Iran hiện đang nhất quyết theo ý mình”. Cùng ngày, Đức cũng khẳng định, “tối hậu thư” của Iran đòi phương Tây phải chấp thuận một thỏa thuận trao đổi uranium trong vòng một tháng hoặc nước này sẽ tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng của mình, là không có gì thay đổi trong chính sách của Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói: “Tình hình không thay đổi. Đề xuất của cộng đồng quốc tế vẫn có giá trị. Iran phải nắm lấy cơ hội này”. Hiện Iran đang bị áp đặt ba lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì không từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình. Bất chấp cảnh báo về những biện pháp trừng phạt mới, Iran gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 10 cơ sở làm giàu uranium. Và nay, với “tối hậu thư” trên, Iran đang tiếp tục thách thức các nước phương Tây, buộc các quốc gia theo lập trường cứng rắn với nước này lâm vào thế khó xử khi buộc họ chấp nhận một tình thế giằng dai.
BĂNG CHÂU