.
Thế giới tuần qua

Trung Quốc tấn công những quan tham

.

Trong tuần qua, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã đưa ra một con số báo động, 106.000 quan chức đã bị kết tội tham nhũng trong năm 2009, tăng 2,5% so với năm trước đó. Trong đó, số quan chức Chính phủ nhận hối lộ trị giá hơn một triệu nhân dân tệ (NDT) (146.000 USD) tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các nhà điều tra, ý nghĩa của các con số trên không chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình trạng tham nhũng gia tăng, mà còn chứng tỏ sự giám sát tốt hơn về vấn đề chống tham nhũng ở nước này.

Zhang Chunjiang, Phó Chủ tịch China Mobile, bị buộc tội làm giả tài liệu liên quan tới 20 tỷ NDT.
Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố, sẽ nhằm vào những lãnh đạo ăn hối lộ của các doanh nghiệp Nhà nước sau khi nhiều quan chức bị tóm vì tham nhũng trong năm 2009. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng phụ trách giám sát Qu Wanxiang, đồng thời là thành viên ban thường trực Ủy ban Thanh tra và kỷ luật Trung ương (CCDI), tổ chức chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh điều tra và cố hạn chế tham nhũng tại các cơ quan Nhà nước trong những dự án tái cơ cấu, liên kết và chuyển giao tài sản, xây dựng”. Cơ quan giám sát này sẽ đặc biệt tập trung vào những vụ liên quan tới giám đốc và những người ở vị trí cao. Hối lộ và lập quỹ đen trái phép sẽ được đặc biệt chú ý.

Hiện nay, tham nhũng được coi là quan ngại số một của người dân Trung Quốc, hơn cả ô nhiễm và chất lượng hàng hóa. Theo giới phân tích, người dân đại lục có nhiều bất bình về lối sống xa hoa của nhiều quan chức, cảnh sát, chủ doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả một cuộc thăm dò gần đây do Nhật báo Trung Hoa thực hiện cho thấy, gần 60% người được hỏi cho rằng, tham nhũng làm tổn hại đến hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc với nước ngoài, hơn cả là ô nhiễm và hàng hóa giả hoặc kém chất lượng.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch 5 năm ngăn chặn và trừng phạt quan chức tham nhũng từ ngày 28-4-2008. Ủy ban Trung ương chỉ thị cho bộ máy các cấp của Đảng Cộng sản phải triển khai một cách ráo riết kế hoạch, nhằm thành lập một hệ thống trừng phạt và ngăn chặn nạn tham nhũng từ năm 2008 đến 2012. Điều đáng lưu ý, kế hoạch chống tham nhũng tập trung vào việc trừng phạt chủ của các tập đoàn Nhà nước tiêu tốn của công và ăn chơi hoang phí và yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn Nhà nước phải tạo ra một hệ thống quản lý dân chủ, trong sạch, hợp pháp.

Kế hoạch chống tham nhũng cũng ủng hộ việc tăng cường sự minh bạch hóa thông tin của cơ quan chính quyền. Trong đó, báo chí tiếp tục được đề cao với vai trò là một kênh giám sát Đảng và chính quyền.

Trang web 703804.com đang trở thành trang web chống tham nhũng hiệu quả ở Trung Quốc.
Ủy ban Thanh tra kỷ luật của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan chống tham nhũng – cho biết, mục tiêu chiến dịch chống tham nhũng của họ hiện nay là các giám đốc, nhà điều hành doanh nghiệp Nhà nước. Qua điều tra, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp đã bị buộc tội hối lộ và một số tội danh khác như giả mạo giấy tờ... Một trong số này phải kể tới cựu lãnh đạo tập đoàn Sinopec, Chen Tonghai, bị kết án tử hình năm ngoái do nhận hối lộ gần 30 triệu USD. Tuy nhiên, Chen được hoãn thi hành án trong 2 năm. Kang Rixin, cựu Tổng Giám đốc tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNNC) hiện đang bị điều tra vì liên quan đến các vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Gần đây nhất là Zhang Chunjiang, Phó Chủ tịch China Mobile, bị buộc tội làm giả tài liệu liên quan tới 20 tỷ NDT.
 
Giới phân tích nhấn mạnh, hệ thống bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cùng với sự thiếu giám sát thường xuyên đã tạo điều kiện cho nạn tham nhũng ở Trung Quốc phát triển. Lin Yueqin, chuyên gia kinh tế tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét, các vụ tham nhũng liên quan tới lãnh đạo các công ty Nhà nước ngày càng tăng là do hệ thống bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Theo đó, lãnh đạo các công ty Nhà nước, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp độc quyền, đều do chính quyền Trung ương chỉ định. Một lượng lớn lãnh đạo cơ quan Nhà nước từng giữ chức vụ trong Đảng hoặc Chính phủ trước khi được bổ nhiệm. “Dựa trên những gì đã có, các lãnh đạo này có xu hướng lạm quyền vì ban lãnh đạo công ty không thể kiểm tra thế lực của họ”.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.