Hôm 21-1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du Washington, Trưởng phái đoàn đàm phán 6 bên Hàn Quốc Wi Sung-lac sẽ gặp các quan chức cấp cao Mỹ, để thảo luận việc khôi phục tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chuyến thăm của ông Wi nằm trong chuỗi những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa các bên, nhằm khởi động lại chương trình đàm phán 6 bên vốn bế tắc từ đầu năm ngoái, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo.
Các binh lính Mỹ dẫn du khách vào tham quan làng Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên. |
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell đã thông báo kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào đầu tháng 2 tới, để phối hợp nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều khẳng định lập trường sẽ không xóa bỏ các biện pháp cấm vận hay đàm phán về một hiệp định hòa bình với Triều Tiên trước khi nước này trở lại đàm phán 6 bên và tiến trình này có những tiến triển rõ ràng.
Hôm 18-1, CHDCND Triều Tiên lần thứ hai đề nghị tiến hành đàm phán về hiệp định hòa bình, đồng thời khẳng định chỉ trở lại bàn đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chừng nào các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này được dỡ bỏ. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, “không phản đối đàm phán 6 bên”, song cho rằng các cuộc đàm phán này sẽ lại đổ vỡ nếu thiếu biện pháp xây dựng lòng tin, chẳng hạn như cuộc đàm phán về một hiệp định hòa bình thay thế cho Hiệp định đình chiến nhằm chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng trước đề xuất trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Kim Yong-sun tuyên bố, lập trường của Chính phủ Hàn Quốc là Bình Nhưỡng phải ngay lập tức trở lại bàn đàm phán 6 bên và tôn trọng Tuyên bố chung tháng 9-2005 về giải trừ hạt nhân. Chỉ khi đó, các nước liên quan mới có thể thảo luận về một hiệp ước hòa bình tại một diễn đàn khác.
Sáng 21-1, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung thông báo, các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên về tương lai Khu công nghiệp chung Kaesong đã kết thúc mà không đạt được sự nhất trí, trong bối cảnh Bình Nhưỡng yêu cầu đàm phán trước tiên về vấn đề tăng lương cho công nhân của họ. Hãng Yonhap dẫn lời ông Chun Hae-sung ngay sau khi kết thúc cuộc đàm phán cho hay: “Hai bên đã không thành công trong việc thu hẹp những bất đồng mặc dù cuộc thảo luận đã được kéo dài hơn dự kiến”.
Động thái mới trên một lần nữa cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai nước, do đó, triển vọng nối lại đàm phán 6 bên trong thời gian tới vẫn còn để ngỏ. Điều đó đòi hỏi các bên phải có thái độ và hành động tích cực hơn nữa cũng như phải chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau, vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
BĂNG CHÂU