.

10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới

.

Hầu hết 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới theo đánh giá của Forbes đều nằm ở châu Á và châu Phi, với quán quân là quốc gia hải tặc Somali

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch thế giới cho thấy, 75 trong số 180 quốc gia được họ khảo sát có điểm minh bạch dưới 3/10. Hồi năm 2008, con số này là 72 quốc gia. Trong thời kỳ phục hồi của kinh tế thế giới, tham nhũng là một trong số ít những mảng hầu như không tiến triển.

Đứng đầu danh sách minh bạch nhất năm nay là New Zealand, với mức điểm được đánh giá là 9,4/10. Đan Mạch đứng thứ hai với 9,3 điểm, không đổi kể từ năm 2008. Còn Mỹ, năm nay tụt một bậc, đứng thứ 19 với 7,3 điểm, do khảo sát cho thấy Quốc hội là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất bởi nạn tham nhũng tại Mỹ.

Tại các quốc gia như Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Marốc và Pakistan, khoảng 60% quan chức được khảo sát thừa nhận đã từng gạ gẫm tiền đút lót. Iran, Venezuela nhiều năm liền không thoát ra khỏi nhóm đứng chót. Năm nay, Nga tụt một bậc, trở thành quốc gia minh bạch thứ 147 thế giới.

Ở phía đầu bên kia danh sách, quán quân là Somali, một nước mà nhiều người còn băn khoăn về việc có nên gọi là quốc gia hay không khi mà nội chiến xảy ra liên miên và nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nghề cướp biển.

Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính, hàng năm số tiền hối lộ trên toàn cầu có thể đạt 20 đến 40 tỷ USD, dùng để bôi trơn trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc thủ tục hành chính.

Forbes cho biết danh sách các quốc gia tham nhũng nhất thế giới của họ được dựa trên đánh giá minh bạch của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, khảo sát của Ngân hàng Thế giới và chỉ số Bertelsmann Transformation của tổ chức Bertelsmann, vốn dùng để đánh giá mức độ phát triển tại 128 quốc gia.

Dưới đây là 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới:

1. Somalia

Nước này chìm trong thời kỳ nội chiến không dứt kể từ năm 1991. Nói đến Somali, người ta nghĩ ngay đến cướp biển và cho đến nay, đây vẫn là "ngành" hái ra tiền nhất tại quốc gia châu Phi nhỏ bé này. Mỗi năm, hải tặc Somali có thể kiếm được hàng chục triệu USD từ tay các nạn nhân, đến từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2009, đã có 47 chiếc thuyền bị hải tặc Somali bắt giữ theo ghi nhận của Reuters.

Đối với những ai lo lắng cho tương lai của Somali, họ có thể yên tâm phần nào khi biết rằng mới đây, Ngân hàng phát triển châu Phi (African Development Bank) hứa sẽ cho Somali vay 2 triệu USD để lập ngân hàng trung ương và cơ quan chống tham nhũng (Ảnh: AFP)

2. Afghanistan

Người ta đồn rằng, anh trai của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai có mối liên hệ chặt chẽ với "ngành" buôn bán thuốc phiện. Ngay cả Tổng thống Mỹ Obama cũng từng than phiền về danh tiếng tham nhũng của Chính phủ Karzai. Forbes cho rằng tình hình tham nhũng tại nước này sẽ còn lâu mới cải thiện được khi phiến quân Taliban vẫn còn núp bóng Osama bin Laden để tự tung tự tác và hàng tỷ USD tiền viện trợ từ Mỹ chảy vào túi các quan chức tham nhũng (Ảnh: AP)

3. Myanmar

Myanmar là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên gồm gỗ, khoáng sản, khí tự nhiên. Tuy nhiên, nước này bị phía Mỹ cáo buộc để tham nhũng lan tràn và là cầu nối quan trọng trên con đường vận chuyển thuốc phiện trong khu vực. Kể từ 1997, Mỹ mạnh tay áp dụng trừng phạt kinh tế, ngăn chặn nguồn vốn đầu tư vào Myanmar và từ đó đến nay, lệnh trừng phạt ngày càng được siết chặt (Ảnh: AP)

4. Sudan

Sudan cũng là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu mỏ. Tuy nhiên, rắc rối của chính phủ nước này là khó giải thích được việc tiền bạc đã đi về đâu. Mới đây, tổ chức Global Witness phát hiện ra sự thiếu nhất quán nghiêm trọng giữa một bên là báo cáo sản lượng của công ty dầu mỏ Trung Quốc đang hoạt động tại Sudan và một bên là báo cáo của chính phủ Sudan. Chênh lệch 10% này tương đương với việc hàng trăm triệu USD đã biến mất không dấu vết (Ảnh: AFP)

5. Iraq

Sau khi Saddam Hussein bị truất ngôi, những người lãnh đạo mới thuộc dòng Shiite tại Iraq vẫn bị dư luận chỉ trích gay gắt về tình trạng tham nhũng. Dân chúng than phiền rằng, chính tham nhũng khiến họ không có đủ nước sạch, điện đóm và nhiên liệu để dùng. Gần đây, trong nỗ lực chống tham nhũng, Iraq đã tham gia Sáng kiến minh mạch các ngành công nghiệp khai khoáng do Nauy khởi xướng (Ảnh: AP)

6. Chad

Hồi năm 2008, Ngân hàng Thế giới từng rút khỏi một dự án đường ống dẫn dầu trị giá 3,7 USD ở quốc gia Trung Phi này sau khi Tổng thống Idriss Deby được cho là đã biển thủ tiền lãi từ dầu mỏ. Số tiền này đáng lẽ được để dành cho các công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và xóa đói giảm nghèo tại Chad. Gần đây hơn, một phiên tòa ở nước này cáo buộc các bộ trưởng tài chính và giáo dục tội tham nhũng. Hai người này đã thông đồng với nhau để bòn rút 4,3 triệu USD từ chương trình mua sách giáo khoa (Ảnh: AP)

7. Uzbekistan

Tổng thống của Uzbekistan, ông Islam Karimov nắm trong tay quyền kiểm soát cơ quan lập pháp, tòa án và ngành truyền thông của nước này. Hồi tháng 12/2007, ông tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu cao đáng kinh ngạc - 88%. Theo Forbes, với thực tế chính phủ quản lý hầu hết các ngành chính yếu của nền kinh tế, tình trạng quan liệu tham nhũng đang ngày càng tồi tệ tại quốc gia đông dân nhất khu vực Trung Á. Mỹ nhận định trong một báo cáo: "Đến cả điểm chác và bằng cấp cũng thường được đánh đổi bằng tiền bạc trong hệ thống giáo dục của Uzbekistan" (Ảnh: AFP)

8. Turkmenistan

Theo nhận định từ phía Mỹ, tham nhũng đang lan tràn khắp mọi ngõ ngách tại Turkmenistan, nơi quyền lực tập trung trong tay Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov. Chính phủ quản lý hầu hết các ngành trong nền kinh tế, bao gồm ngành khí gas. Hiện Turkmenista là nước xuất khẩu khí gas lớn thứ 2 trong khối các nước Liên Xô cũ sau Nga (Ảnh: AFP)

9. Iran

Các nước phương Tây cáo buộc Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã gian lận kết quả tổng tuyển cử hồi 2009. Mỹ cho rằng các gia đình dòng dõi quý tộc tại Iran sẽ không dễ dàng chịu từ bỏ địa vị tại một đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ. Theo Forbes, các chương trình bao cấp kém hiệu quả, ngành dầu mỏ bị nhà nước kiểm soát là những mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng hoành hành (Ảnh: AP)

10. Haiti

Đảo quốc Haiti tuyên bố giành độc lập từ 1804 sau khi thoát khỏi ách nô dịch của Pháp. Chưa đầy 2 năm sau đó, người lãnh đạo đầu tiên của họ đã bị dân chúng truất ngôi và giết chết vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều. Thảm họa động đất hồi tháng 1 vừa rồi phơi bày hai cảnh trái ngược, một bên là tình trạng nghèo đói khốn cùng của dân chúng và một bên là cảnh sống giàu sang nhung lụa của các gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc (Ảnh: Getty Images)

Theo VnExpress.net

;
.
.
.
.
.