.

Đối thoại hợp tác kinh tế liên Triều

.

Bất chấp không khí căng thẳng giữa hai miền sau các vụ đấu pháo trên biển vừa xảy ra tuần trước, hôm 1-2, một phái đoàn gồm 17 quan chức Hàn Quốc đã tới CHDCND Triều Tiên để tiếp tục các cuộc đàm phán về phát triển khu công nghiệp chung Kaesong.

Trưởng đoàn Hàn Quốc Kim Young-Tak (giữa) trả lời phỏng vấn báo giới về cuộc đàm phán phát triển khu công nghiệp chung Kaesong. 

Khu công nghiệp Kaesong được xem là biểu tượng hợp tác nổi bật nhất giữa hai miền Triều Tiên, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo hai miền vào tháng 6-2000. Hiện có khoảng 110 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại khu công nghiệp này và sử dụng khoảng 42.000 lao động Triều Tiên. Theo AFP, khu công nghiệp Kaesong đem lại hàng triệu USD cho Bình Nhưỡng, nhưng hiện tại chỉ hoạt động ở mức cầm chừng do tình trạng căng thẳng chính trị. Năm ngoái, Bình Nhưỡng gây sốc khi đòi Seoul tăng lương cho 42.000 công nhân miền Bắc ở khu Kaesong từ 75 USD/tháng lên 300 USD/tháng. Dù đã bỏ yêu cầu cụ thể này, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đòi các công ty Hàn Quốc phải tăng lương.

Trước đó, hôm 19 đến 21-1, các quan chức hai bên đã nhóm họp tại Kaesong để thảo luận các phương thức thúc đẩy hoạt động của khu công nghiệp này nhưng đã không đạt kết quả. Bình Nhưỡng muốn đàm phán trước tiên về vấn đề tăng lương cho công nhân của họ, trong khi Seoul cho rằng việc tạo điều kiện nhập cảnh cho kỹ sư Hàn Quốc và bố trí nhà ở cho công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp nên được thảo luận tại Seoul. Phát biểu với các nhà báo trước chuyến đi lần này, trưởng đoàn Hàn Quốc Kim Young-Tak cho biết: “Tôi cho rằng, phía Triều Tiên nhận thức được cuộc đàm phán hôm nay liên quan đến các vấn đề nhà ở, cũng như việc đi lại, liên lạc và các thủ tục hải quan. Chúng tôi sẽ thuyết phục Triều Tiên rằng không khí thuận lợi cho việc thảo luận tăng lương sẽ được tạo ra một cách tự nhiên”.

Cuộc đàm phán mới này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai miền vừa trải qua “những ngày biển động” với các vụ bắn pháo của Triều Tiên vào vùng biển gần biên giới đang tranh chấp giữa hai miền và các vụ bắn đáp trả của Hàn Quốc.

Trong một động thái mới có liên quan, Liên Hợp Quốc đưa ra thông báo, hai đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ tới Triều Tiên để tham khảo ý kiến nối lại đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thông báo này cho biết, Phó Tổng thư ký đặc trách các vấn đề chính trị - ông B. Lynn Pascoe, và cố vấn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Kim Won-soo, sẽ đi thăm Triều Tiên từ ngày 9 đến 12-2. Hai đặc phái viên này sẽ gặp các giới chức Triều Tiên để thảo luận “tất cả các mối quan tâm và lợi ích chung một cách bao quát”.

CHDCND Triều Tiên muốn hòa đàm với Mỹ và coi đây là một điều kiện để họ quay lại bàn đàm phán 6 bên. Vòng đàm phán cuối cùng của nhóm sáu bên với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra từ tháng 12-2008. Đến tháng 4 năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán và chỉ đồng ý tiếp tục thảo luận nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt chống nước này.           

GIA HUY

;
.
.
.
.
.