.

EU sẵn sàng giúp Hy Lạp trả nợ

(ĐNĐT) - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ sẵn sàng hành động để giúp một tay cho tình trạng tài chính hiện nay của Hy Lạp và đảm bảo sự bình ổn của khu vực đồng euro, tuy nhiên lại không đưa ra lời hứa viện trợ nào cụ thể.  

Các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng để yểm trợ cho Hy Lạp bằng những lời lẽ động viên tại một hội nghị thượng đỉnh hôm qua (11-2) nhưng lại không đưa ra được những đề xuất cụ thể để giúp nước này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ nần dẫn đến những phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị rằng, EU đang chuyển đến Hy Lạp một "thông điệp rõ ràng về tình đoàn kết". Một thỏa ước hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng trong khu vực đồng euro gồm 16 nước sẽ là một động thái chưa từng có từ trước đến nay, bỏ qua những quy định ngăn cấm việc giải cứu kinh tế.

Tuy nhiên, những lời hứa động viên hoa mỹ vẫn chưa đủ để thỏa mãn các thị trường tài chính hiện đang mong đợi những hành động cụ thể về việc Athens sẽ được hỗ trợ thế nào để thoát khỏi nợ nần và tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Số nợ của Hy Lạp đã tăng lên và đồng euro giảm so với đồng đô-la.     

Ông Van Rompuy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, không thể đưa ra những gì cụ thể về việc nên giúp đỡ Hy Lạp như thế nào vì Hy Lạp chưa có đề nghị trợ giúp cụ thể nào từ EU. Các nhà lãnh đạo EU rất muốn ngăn chặn những rắc rối của Hy Lạp lan sang các nước thành viên vốn đang mắc nợ hoặc có mức thâm hụt ngân sách cao như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, họ cũng muốn tạo áp lực hối thúc Hy Lạp triển khai một chương trình cứng rắn được thiết kế để cắt giảm hàng trăm tỷ euro nợ nần và mức thâm hụt chiếm 12,7% GDP trong năm ngoái, gấp 4 lần mức cho phép của EU.  

Hy Lạp cần phải gây được khoảng 53 tỷ euro trong năm nay để lấp đầy ngân sách và thanh toán khoản nợ nần dự kiến sẽ tăng lên 290 tỷ euro trong năm nay, gần 120% GDP.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nói rằng, nước này đã sẵn sàng có những hành động cần thiết hơn nữa để giảm mức thâm hụt. Bà Merkel nói rằng Hy Lạp "sẽ không bị bỏ lại đơn độc, song vẫn còn có những quy định và những quy định này phải được tuân theo".

N.L (Theo Reuters, BBC)


;
.
.
.
.
.