Niger - một trong những nước nghèo nhất thế giới - đang phải chống chọi với nạn đói và tham nhũng, thì nay lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc khi cuối tuần qua, Tổng thống Mamadou Tandja bị bắt cóc và đưa ra khỏi Phủ Tổng thống.
Người dân Niger tuần hành trên đường phố thủ đô Niamey để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những người lãnh đạo quân sự mới sau đảo chính. |
Nhóm quân sự chiếm quyền trong cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã cử một chỉ huy quân đội làm lãnh đạo, chỉ vài giờ sau khi lực lượng này tuyên bố trên Đài Truyền hình quốc gia là đang nắm quyền kiểm soát đất nước Tây Phi giàu uranium này. Nhóm quân sự, tự xưng là Hội đồng Tối cao lập lại Dân chủ (CSRD), tuyên bố nhóm này do Salou Djibo, một nhân vật ít tiếng tăm và là chỉ huy của lực lượng quân sự có căn cứ gần thủ đô, lãnh đạo. Nhóm này cũng loan báo mở lại các cửa biên giới và bãi bỏ lệnh giới nghiêm đã được áp đặt trước đó, và khẳng định muốn đưa Niger thành “một ví dụ của dân chủ và cầm quyền tốt”.
Trước đó, tại Phủ Tổng thống Niger đã xảy ra vụ nổ súng, Tổng thống Mamadou Tandja bị bắt cóc và đưa ra khỏi Phủ Tổng thống. Những người nổ súng rất có thể là Lực lượng cảnh vệ của Tổng thống hoặc quân đội. Có tin cho biết, khi xảy ra vụ đấu súng, Tổng thống đang chủ trì Hội nghị Bộ trưởng. Lực lượng đảo chính đã sử dụng cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng. Tiếng súng kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, Phủ Tổng thống bị hư hỏng nghiêm trọng. Một số nguồn tin khác cho biết, Tổng thống Mamadou Tandja và một số Bộ trưởng bị lực lượng đảo chính kiểm soát.
Theo các nhà phân tích chính trị, các thủ lĩnh của phe đảo chính là một phần của phe quân sự đã bất bình sâu sắc với Tổng thống Tandja về việc ông này đã vi phạm thời hạn nhiệm kỳ làm Tổng thống theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng, nhóm quân sự chiếm quyền ở Niger có thể cố níu giữ quyền lực - như lực lượng quân sự ở Guinea đã làm sau vụ đảo chính tháng 12-2008.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp ở nước này, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm duy trì quyền lực thông qua các hành động vi hiến. Một phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã tới Niger hôm 19-2 để tiến hành các cuộc tham vấn chính trị sau cuộc đảo chính quân sự. Cựu Chủ tịch ECOWAS, ông Mohammed Ibn Chambas cho biết, phái đoàn của ECOWAS gồm 3 thành viên, hiện đang ở thủ đô Niamey của Niger, với hy vọng sẽ có các cuộc tiếp xúc và tham vấn chính trị với các nhà chức trách của nước này.
Trước đó, đương kim Chủ tịch ECOWAS, quyền Tổng thống Niger Goodluck Jonathan đã lên án mọi hành động tiếm quyền hoặc duy trì quyền lực thông qua các hành động vi hiến ở Niger. Theo ông Jonathan, tất cả các bên liên quan ở Niger, trong đó có lực lượng an ninh, nên giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp thông qua đối thoại và thương lượng. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Niger.
Dư luận quốc tế, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức... cũng đã lên án vụ đảo chính và kêu gọi nối lại tiến trình đối thoại ở Niger. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ: “Pháp lên án mọi hành động thâu tóm quyền lực bằng cách thức không hợp hiến và hoàn toàn ủng hộ lập trường cũng như nỗ lực của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi (AU)”. Ông Ramtane Lamamra - Cao ủy phụ trách an ninh của AU - tuyên bố, những gì đang diễn ra ở Niger đi ngược lại mong muốn của AU về một châu lục không có đảo chính.
Căng thẳng ở đất nước giàu uranium này tăng cao kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Tandja thay đổi Hiến pháp, khiến ông được phép nắm quyền nhiệm kỳ ba. Ông Tandja thắng cử lần đầu năm 1999 và lần thứ hai năm 2004. Nhiệm kỳ thứ hai của ông lẽ ra hết hạn vào tháng 12-2010.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đảo chính có nguyên nhân từ những quyết định của Tổng thống Tandja hồi tháng 8-2009, khi ông vận động thay đổi hiến pháp, bỏ điều khoản giới hạn các nhiệm kỳ Tổng thống. Liên minh các đảng đối lập ở Niger, Lực lượng dân chủ vì nền cộng hòa (CFDR) và một số liên đoàn lao động đã lên tiếng ủng hộ cuộc đảo chính.
BĂNG CHÂU