Cuối tuần qua, Washington đã làm các đồng minh của mình, ngay cả Phần Lan và CH Séc, cũng như các cường quốc bất ngờ khi công khai một phần kế hoạch lá chắn tên lửa mới của chính quyền Obama, thay thế cho kế hoạch trước đây của người tiền nhiệm Bush. Đặc biệt, động thái mới của Tổng thống Romania Traian Basescu tuyên bố đồng ý cho phép Mỹ đặt các thiết bị đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ nước này, gần Nga, càng làm cho tình hình trở nên phức tạp.
Theo ông Obama, hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo mà cựu Tổng thống Bush ủng hộ sẽ được thay thế bằng một hệ thống chỉ thiết kế bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. |
Trái lại, Bộ trưởng Quốc phòng Romania Gabriel Oprea nhận định, tham gia vào lá chắn tên lửa của Mỹ là một ưu tiên trong chính sách quốc phòng của nước này và điều đó sẽ tăng cường an ninh quốc gia. Ông Oprea cũng khẳng định, việc Mỹ mời Romania tham gia hệ thống là bằng chứng cho thấy sự hợp tác khăng khít giữa quân đội hai nước. Nằm dưới “ô” chắn tên lửa, Romania sẽ không còn bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Một quan chức giấu tên của Bộ chỉ huy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng ngày cho biết, Mỹ hiện đang đàm phán với các nước có khả năng tham gia NMD của Mỹ và sẵn sàng cho phép bố trí các thành phần của hệ thống này trên lãnh thổ của mình.
Mỹ đã từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa trước đó, dự kiến đặt ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Theo một quan chức Mỹ, hệ thống thay thế mới này sẽ phòng thủ tốt hơn khỏi “mối đe dọa đang lớn dần” từ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Iran. Trong khi đó, Tổng thống Basescu cho hay, hệ thống này sẽ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Romania, nhưng nhấn mạnh nó không trực tiếp nhắm vào Nga. Ông cũng cho biết, Romania sẽ là nơi đặt các thiết bị dưới mặt đất để đánh chặn tên lửa và nếu được quốc hội phê chuẩn, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động năm 2015.
Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ PJ Crowley cũng nhấn mạnh rằng, hệ thống mới sẽ không có khả năng nhắm vào Nga. Ông cũng khẳng định, Romania đã đồng ý cho đặt các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, một phần trong kế hoạch lá chắn tên lửa mới của Mỹ nhằm bảo vệ quân đội Mỹ đang được triển khai ở mặt trận và các đồng minh NATO trước những đe dọa hiện nay và ngày càng lớn dần của tên lửa đạn đạo Iran.
Quyết định từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa ban đầu của chính quyền tiền nhiệm hồi tháng 9 năm ngoái của Tổng thống Obama đã được Nga hoan nghênh. Trước đó, Nga đã kịch liệt phản đối kế hoạch của chính quyền ông Bush và đã dọa sẽ đáp lại bằng cách hướng các đầu đạn hạt nhận vào Ba Lan, Cộng hòa Séc. Và đây cũng là nguyên nhân chính rạn nứt quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Nga Putin khẳng định, kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ là “cái gai” trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về một hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới. Thủ tướng Putin nhấn mạnh: “Nhằm đảm bảo cân bằng sức mạnh với Mỹ, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển vũ khí tấn công giống như Mỹ. Nếu không làm vậy, Moscow sẽ phải luôn chịu sự đe dọa từ bên ngoài”. Vậy, kế hoạch lá chắn tên lửa mới của chính quyền Obama có làm nảy sinh thêm mâu thuẫn giữa hai nước hay không vẫn còn phụ thuộc vào câu trả lời từ phía Washington, đặc biệt giữa lúc cả hai nước đang nỗ lực tái khởi động để hàn gắn mối quan hệ sau những gì rạn nứt.
ĐOÀN LƯƠNG