.

900 triệu người không đủ nước sinh hoạt

.

Ngày 22-3, tại nhiều quốc gia đã diễn ra các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ), trên toàn cầu có khoảng hơn 900 triệu người không có đủ nước sinh hoạt và 2,5 triệu người chủ yếu là những người ở khu vực nông thôn sống thiếu các điều kiện bảo vệ sức khỏe tối thiểu, nhất là các hệ thống xử lý nước cống, rác rưởi một cách hiệu quả.

Trẻ em rửa tay tại một khe nước bẩn ở khu nhà ổ chuột Kibera, Kenya. Ảnh: AFP 

Mạng ThaiPR.net cho hay, LHQ cũng tổ chức Ngày Nước thế giới tại Trung tâm Hội nghị LHQ ở Bangkok (Thái Lan) với chủ đề “Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với chất lượng nước sinh hoạt. AFP cho biết, 9 nước ở khu vực bị ảnh hưởng hạn hán sẽ nhóm họp tại Chad vào ngày 25-3 để tìm phương án giải bài toán thiếu nước và bảo vệ người dân khỏi việc thiếu lương thực.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế (DFID), trong những người bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt, trẻ em bị tổn thương nặng nề nhất. Thống kê có 1,5 triệu trẻ em mỗi năm (mỗi ngày khoảng 4.000 trẻ em) bị chết vì bệnh tật như AIDS, sốt rét, sởi… Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng nước uống kém hoặc thiếu vệ sinh. Một trong những nguyên nhân gây ra cái chết nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi là bệnh tả, căn bệnh do ăn uống hoặc dùng nước không bảo đảm vệ sinh. Cũng theo LHQ, 2 triệu tấn nước thải và nước ô nhiễm từ nhiều nhánh sông hiện đổ vào nguồn nước thế giới. Vấn đề này đang tồi tệ hơn tại các quốc gia đang phát triển, nơi mà hơn 90% lượng nước thải và 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ vào nguồn nước.               

B.YÊN 

;
.
.
.
.
.