Các quan chức hai miền Triều Tiên đã kết thúc cuộc đàm phán tại khu công nghiệp chung Kaesong mà không đạt được bước đột phá nào, ngoài việc nhất trí tiếp tục đàm phán cấp chuyên viên nhằm thảo luận các chi tiết cụ thể. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Lee Gang-woo cho biết, hai bên chỉ đạt được thỏa thuận về định hướng chung nhằm giải quyết ba vấn đề là giao thông vận tải, thông tin liên lạc và hệ thống hải quan tại Kaesong.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Lee Gang-woo (trái) bắt tay với người đồng cấp Triều Tiên Ree Sun-kwon tại cuộc đàm phán ở khu công nghiệp chung Kaesong. |
Đáp lại, Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc cung cấp trang thiết bị theo một thỏa thuận trước đó nhằm giúp cải thiện giao thông, thông tin liên lạc và hải quan xuyên biên giới. Bình Nhưỡng cũng đề nghị Seoul thực hiện đầy đủ các Tuyên bố chung đã ký trong các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007, và bày tỏ sự không hài lòng về một số động thái đối đầu của Seoul như căng thẳng trên biển Hoàng Hải, vụ một số người Hàn Quốc thả truyền đơn chống Triều Tiên cũng như cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới. Tại cuộc đàm phán, phía Triều Tiên cũng từ chối cung cấp thông tin về bốn người Hàn Quốc bị bắt giữ tại Triều Tiên vì nhập cảnh trái phép, đồng thời cho hay cần thêm thời gian để thẩm vấn những người này.
Cũng trong một động thái khác có liên quan, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức cao cấp của Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể quay lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Theo quan chức này, dự đoán trên căn cứ vào những thông tin xung quanh các cuộc tiếp xúc gần đây giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong. |
Cuộc đàm phán 6 bên, gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản gần đây nhất được tiến hành vào tháng 12-2008, sau đó bế tắc do các tranh cãi về việc xác minh quá trình giải trừ hạt nhân. Tháng 4-2009, Triều Tiên tuyên bố chấm dứt các cuộc đàm phán này, đồng thời tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mới đây, Bình Nhưỡng tỏ ý sẵn sàng ngồi lại vào bàn đàm phán, với hai điều kiện là bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên và thảo luận về hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Việc tìm lời giải cho bài toán hòa giải hai miền Triều Tiên trở nên khó khăn hơn, khi cả Bình Nhưỡng và Seoul vẫn tồn tại những nghi kỵ lẫn nhau. Theo các nhà phân tích, để quan hệ liên Triều thực sự được hòa giải, Hàn Quốc và phương Tây cần phải có chính sách mềm dẻo hơn đối với CHDCND Triều Tiên. Bởi nếu sử dụng biện pháp mạnh cũng đồng nghĩa Bình Nhưỡng sẽ tẩy chay vĩnh viễn các cuộc đàm phán về hạt nhân và cơ hội hòa giải giữa hai miền Triên Tiên sẽ không có điểm kết thúc.
BĂNG CHÂU