.
Thế giới tuần qua

Mỹ Latinh-Caribe đẩy mạnh liên kết

.

Trong tuần qua, một sự kiện nổi lên đáng chú ý và tạo nên một bước ngoặt lịch sử khi 33 nước châu Mỹ Latinh-Caribe thành lập “Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Caribe”, một liên minh mới tại khu vực này,  loại trừ Mỹ và Canada.

Tổng thống Brazil Lula da Silva - dự kiến sẽ được bầu làm người đứng đầu tổ chức Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Caribe - phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi tổ chức này được thành lập mà không có sự tham gia của Mỹ.  

Mặc dầu liên minh mới này không có ý định tách xa Bắc Mỹ, nhưng việc tách khỏi nước Mỹ cho thấy, các nước trong khu vực không muốn sự can thiệp và lệ thuộc vào Mỹ, mà tự giải quyết các vấn đề khu vực, đồng thời thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ và thịnh vượng trong nội khối theo mô hình Liên minh Châu Âu. Song câu hỏi đặt ra lúc này là liên minh mới phải làm sao để “thực sự mới” so với những cơ chế khu vực đã tồn tại lâu nay và đang chồng chéo tại Mỹ Latinh.

Tại hội nghị, các nước xác định rõ, Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Caribe là một không gian riêng của các quốc gia trong vùng, mang bản sắc riêng, đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực. Liên minh mới này sẽ tập hợp số lượng thành viên đông đảo nhất của khu vực Nam Mỹ từ trước tới nay với 33 thành viên là các nước Mỹ Latinh và các nước ở vùng Caribe. Thực ra, ý tưởng thành lập một liên minh rộng lớn này đã được nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên Mỹ Latinh -  Caribe vào năm 2008 và trở thành hiện thực 2 năm sau. Tuy nhiên, phải chờ đợi một thời gian nữa để liên minh này thể hiện vai trò, bởi tiến trình tìm kiếm tên gọi chính thức, cũng như xác định cơ cấu tổ chức cho liên minh mới bắt đầu và sẽ chỉ được quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của khu vực tại Venezuela vào năm 2011.

Với việc loại trừ sự tham gia của Mỹ, Canada cũng như nêu ra khả năng Cộng đồng mới thay thế Liên minh các nước châu Mỹ (OAS) – Diễn đàn chính thảo luận các vấn đề khu vực hiện nay, các quốc gia Mỹ Latinh một lần nữa khẳng định mong muốn và quyết tâm chấm dứt tai tiếng là “sân sau” của Mỹ. Tổng thống Mexico Felipe Calderon tuyên bố, với cơ chế mới, Mỹ Latinh sẽ không chỉ ngồi ở vị trí “khán giả” trước những gì diễn ra trên thế giới. Còn Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định, sự kiện này sẽ giúp các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe khỏi ảnh hưởng quá lớn của nước Mỹ và theo ông, “nhiều ví dụ cho thấy, ở đâu có sự can thiệp của Mỹ, ở đó không có hòa bình và công bằng xã hội”. Đặc biệt, việc thành lập liên minh mới chứng kiến sự hội nhập chính thức trở lại của Cuba - quốc gia bị đình chỉ tư cách thành viên Liên minh các quốc gia châu Mỹ từ năm 1962 do chính sách thù địch của Mỹ. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe một lần nữa đồng loạt yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận đối với Cuba.

Mỹ Latinh-Caribe là một khu vực kinh tế năng động với sự phát triển kinh tế đầu tàu của Brazil, Mexico và Argentia. Trong khi đó, Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn thứ 3 thế giới. Sự nổi lên của lực lượng cánh tả tại khu vực này đang ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết khu vực để cùng nhau phát triển. Dự báo, năm 2010, tốc độ phát triển trung bình của khu vực này sẽ là 4,1%. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khu vực Nam Mỹ cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có một tổ chức khu vực đủ mạnh để tự định đoạt các vấn đề của riêng khu vực cũng như thể hiện một quan điểm thống nhất với bên ngoài. Hai vấn đề nóng bỏng là Haiti và tranh cãi chủ quyền biển đảo giữa Argentia và Anh là điển hình cho thấy sự cần thiết đó. Song, điều quan trọng là phải tạo một liên minh thực sự đáp ứng yêu cầu mới, bởi Mỹ Latinh đã có quá nhiều tổ chức tương tự, mà hiện thành viên, cơ cấu tổ chức, hoạt động đang chồng chéo lên nhau. Còn nhớ, Liên minh Nam Mỹ

(UNASUR) được thành lập năm 2008 từng gây tiếng vang khi chủ trương tách khỏi vòng ảnh hưởng của Mỹ và theo mô hình Liên minh Châu Âu, nhưng kết cục không thể đem lại kết quả như kỳ vọng ban đầu.

Sự khác biệt về trình độ phát triển, hệ thống - tư tưởng chính trị vẫn còn là một thách thức lớn, khiến giới quan sát có cái nhìn thận trọng về tương lai của liên minh mới. Tuy nhiên, sự ra đời của liên minh mới này là sự phát triển tất yếu của xu thế hiện nay, đó là làn sóng mới đi lên cùng với sự phát triển của cách mạng, thể hiện tiến bộ văn minh dân chủ, mà ở đó Mỹ Latinh không còn là một dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của Mỹ.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.