.
Vấn đề hạt nhân Iran

Vẫn còn cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao

.

Trong khi Mỹ, Pháp và Anh có xu hướng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao.

Iran thường thông báo những tiến bộ về tiềm lực quân sự và tiến hành bắn thử các tên lửa dường như nhằm chứng tỏ nước này sẵn sàng phản công trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và phương Tây. TRONG ẢNH: Tàu khu trục Jamaran phóng thành công tên lửa đất đối đất Nour hôm 9-3.  

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh, thực hiện lệnh trừng phạt mới đối với Iran không phải là lối thoát cơ bản để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng cho rằng, vẫn còn chỗ cho các nỗ lực ngoại giao và các bên liên quan cần thúc đẩy tiến trình đối thoại và thương lượng nhằm tìm một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này.

Theo báo chí Trung Quốc, Iran bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực của phương Tây trong việc phối hợp đưa ra nghị quyết trừng phạt mới đối với vấn đề hạt nhân của Iran. Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày tại Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nói, Trung Quốc là một quốc gia vĩ đại, có đủ thực lực chống lại áp lực của Mỹ để tự mình đưa ra quyết định. Iran hy vọng Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, coi trọng việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Mỹ và một số nước phương Tây đang hy vọng Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới của LHQ về trừng phạt Iran, song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nước này. Theo đánh giá, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, hai bên có quan hệ thương mại rất mật thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng nêu rõ, trong khi Nhóm P5+1 đang thảo luận về nội dung nghị quyết mới liên quan đến Iran, Nga vẫn khẳng định lập trường tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, nếu Iran không đáp ứng tích cực các khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thì vấn đề Iran mới nên đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an. Nga cho rằng, lệnh trừng phạt mới chống Iran chỉ có thể được áp dụng như là giải pháp sau cùng và nó không được phép ảnh hưởng đến người dân Iran. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an phải đóng vai trò trọng tâm trong việc soạn thảo các biện pháp liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa có nghị quyết mới về trừng phạt Iran và hiện tại, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh cùng với Đức) vẫn tiếp tục thảo luận về nội dung văn kiện này. Các nước phương Tây nghi ngờ Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Iran nhiều lần bác bỏ và khẳng định chương trình hạt nhân của mình thuần túy vì mục đích dân sự.

Trong khi đó, phát biểu với báo chí tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới với Iran sẽ không có kết quả. Ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng con đường đối thoại. Những biện pháp trừng phạt về kinh tế hay quân sự sẽ có hậu quả nặng nề đối với toàn khu vực.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast, các nước trong Nhóm P5+1 sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Bình luận về những bất đồng hiện nay trong Nhóm P5+1 về vấn đề trừng phạt Iran, ông Ramin nhấn mạnh, để đạt được sự đồng thuận giữa các nước trong Nhóm P5+1 về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran là điều không dễ dàng. Theo ông Ramin, do nguyên tắc của việc trừng phạt liên quan tới hoạt động hạt nhân hòa bình của Iran thiếu lôgíc và cơ sở pháp lý, hơn nữa lại bị một số nước thúc đẩy vì mục đích chính trị, nên lẽ tất yếu là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ không thể thực hiện được.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.