Tro bụi phát ra từ núi lửa hoạt động ở Iceland đã khiến Anh, Thụy Điển, Hà Lan phải đóng cửa không phận và các sân bay ở khắp Bắc Âu phải ngừng hoạt động
Tro bụi bốc cao tới hơn 15km. Ảnh: AFP |
Ngày 15-4, hơn 250 chuyến bay cất cánh và hạ cánh tại các sân bay Heathrow và Gawick ở London đã bị hủy bỏ. Các sân bay khác như Aberdeen, Edinburgh, và Glasgow ở Scotland phải đóng cửa.
Theo thông báo của Cơ quan Khí tượng Anh, do luồng tro bụi đang di chuyển theo hướng Đông, tức là sẽ vào Anh trước khi tới các nước châu Âu khác, nên hoạt động hàng không tại các sân bay có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Cơ quan kiểm soát không lưu phụ trách các đường bay ở châu Âu thông báo tất cả các tuyến bay từ thủ đô London lên phía Bắc sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn, còn các sân bay ở London sẽ phải đóng cửa từ 11 giờ ngày 15-4 cho đến ít nhất 19 giờ cùng ngày.
Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair cũng hủy mọi chuyến bay ra vào nước Anh, đồng thời cảnh báo lệnh cấm có thể kéo dài tới hết ngày 16-4. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet cho biết Cơ quan Khí tượng Anh cảnh báo bụi tro núi lửa có thể bay tới các sân bay ở Anh vào đêm 15-4 và sẽ ảnh hưởng lớn tới các chuyến bay ra vào nước Anh trong ngày 16-4.
Động cơ máy bay ngừng hoạt động
Bụi tro núi lửa chứa bột đá và thủy tinh khi lọt vào động cơ máy bay có thể khiến động cơ ngừng hoạt động. Ngoài ra, bụi tro có thể khiến hành khách khó thở và làm hư hại hệ thống điều khiển điện tử trên máy bay.
Các chuyên gia khí tượng cho biết hoạt động hàng không ở Na Uy cũng đã bị ngưng trệ do khói bụi che khuất tầm nhìn. Với tình trạng hoạt động của núi lửa hiện nay, có thể sẽ mất vài ngày các đám tro bụi mới có thể tan hết.
Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu Eurocontrol nói tro bụi bốc cao tới hơn 15km và sẽ di chuyển qua vùng Bắc nước Anh và Scotland vào lúc 1200GMT.
Chuyên gia dự báo Philip Avery nói tro bụi có thể mất vài ngày mới tan hết. Ông nói: "Cơ quan Kiểm soát không lưu có lý do chính đáng để lo ngại vì hồi năm 1982, cả bốn động cơ của một máy bay lớn của British Airways đã bị tắc khi bay qua cột tro bụi núi lửa."
Hành khách ngủ tại sân bay Manchester (Anh) do các chuyến bay bị hoãn. Ảnh: AFP |
Một sự cố gần tương tự cũng đã xảy ra ngày 15-12-1989 khi chuyến bay KLM 867 với chiếc B747-400 từ Amsterdam tới Anchorage, Alaska bay qua cột khói núi lửa Redoubt làm cả bốn động cơ ngừng hoạt động.
Đợt bùng phát từ dưới dải băng sơn tại vùng Eyjafjallajoekull của Iceland là trận bùng phát thứ hai ở Iceland trong vòng chưa tới một tháng.
Phát ngôn viên của Cơ quan Kiểm soát không lưu nói núi lửa vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Ông Brian Flynn, một phó ban điều hành từ Eurocontrol nói với BBC: "Khi tro bụi tới Hà Lan và Bỉ nó sẽ tản ra và không còn mạnh, giống như bất kỳ hiện tượng thời tiết nào khác. Nhưng chúng tôi không biết mức độ cụ thể sẽ ra sao".
Theo TTXVN, BBC