.

Các thủ lĩnh "áo đỏ" sẽ đầu thú vào ngày 15-5

.

Những người biểu tình tại khu trung tâm du lịch-thương mại ở thủ đô Bangkok hôm 4-4 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo các nguồn tin nước ngoài, một trong các thủ lĩnh lực lượng "áo đỏ", ông Nattawut Saikuar, ngày 17-4 cho biết, sau hơn một tháng lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Bangkok, toàn bộ 24 thủ lĩnh phe này sẽ ra đầu thú vào ngày 15-5 tới.

Trước đó, người biểu tình "áo đỏ" đã phớt lờ những lời kêu gọi của chính quyền Thái Lan giải tán khỏi trung tâm thương mại Ratchaprasonv bất chấp các lệnh truy nã đối với 17 thủ lĩnh chủ chốt của họ được Tòa án hình sự Thái Lan phê chuẩn lệnh hôm 9-/4.

Trong một diễn biến khác, nhiều cựu chính trị gia và doanh nhân bị nghi là đã hỗ trợ tài chính cho Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) ngày 16/4 đã trình diện tại Trung tâm giải quyết tình trạng khẩn cấp Thái Lan (CRES).

Người phát ngôn của CRES, Đại tá Sansern Kaewkamnerd cho biết cảnh sát có thể giam giữ những người này trong một thời gian nhất định theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nếu có bằng chứng cho thấy họ dính líu tới các họat động biểu tình bất hợp pháp.

Diễn biến trên xảy ra sau khi Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban kêu gọi 54 cựu chính trị gia, cựu quan chức chính phủ và doanh nhân đến trình diện tại Trung đoàn bộ binh số 11 để thẩm vấn, nếu không giới chức trách Bangkok sẽ phát lệnh bắt giam. Tuy nhiên, danh tính cũng như số lượng của những người đến trình báo trong ngày 16/4 đã không được tiết lộ.

Trong khi đó, Cục Điều tra đặc biệt đã tán thành đề nghị của Chính phủ Thái Lan xử lý những hành vi tội phạm nghiêm trọng trong bối cảnh tình hình chính trị rối ren. Các hành vi này bao gồm hành động khủng bố sử dụng lựu đạn hay súng đạn trong vụ đụng độ giữa các lực lượng an ninh và những người biểu tình "áo đỏ" hôm 10-4, các hành vi đe dọa nghiêm trọng, tấn công quan chức chính phủ cũng như dân thường và chiếm giữ vũ khí của quân đội xảy ra từ cuối năm 2009 đến nay.

Cục Điều tra đặc biệt sẽ thụ lý các trường hợp đặc biệt kể trên cùng với chín cơ quan khác của nhà nước, trong đó có Văn phòng Tổng Chưởng lý, Cơ quan Tình báo quốc gia, Hội đồng An ninh quốc gia và Cục Điều tra trung ương.

Các diễn biến mới nhất kể trên xảy ra sau khi Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva bổ nhiệm Tư lệnh Lục quân, Tướng Anupong Paojinda, làm người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thay thế Phó Thủ tướng Suthep.

Đây được coi là động thái đầu tiên cho thấy Quân đội Thái Lan tham gia chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn về an ninh kể từ khi phe "áo đỏ" tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.