.
Hậu trường chính trị

Cuộc đua bắt đầu

Chiến dịch tranh cử ở Anh đã bắt đầu ngay sau khi Thủ tướng Gordon Brown chính thức xác nhận thời gian tổng tuyển cử là ngày 6-5 tới. Đây là cuộc bầu cử có nhiều dự đoán rằng sẽ mở đường cho Đảng Bảo thủ đối lập lần đầu tiên lên nắm quyền sau 13 năm.

Ba đảng: Công đảng, Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ tự do tham gia cuộc chạy đua này, nhưng thực chất chỉ là cuộc đua song mã giữa hai đảng lớn nhất của Thủ tướng Brown và ông David Cameron. Mặc dù đảng cánh tả nắm quyền từ 13 năm nay, nhưng chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 1997, 2001 và 2005 đều thuộc về người tiền nhiệm của ông Brown: cựu Thủ tướng Tony Blair. Thêm vào đó, Đảng Bảo thủ thường xuyên dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, dư luận đang tỏ ra hoài nghi về quyết tâm và khả năng giành thắng lợi của Thủ tướng Brown. Người đứng đầu nhà số 10 phố Downing bày tỏ mong muốn có “sự ủy thác rõ ràng và thẳng thẳn” để tiếp tục công việc phục hồi kinh tế. “Nước Anh đang trên con đường phục hồi và chúng ta không nên đặt sự phục hồi đó trong rủi ro”, ông Brown nói.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa Công đảng và Đảng Bảo thủ được thu hẹp lại trong những tuần gần đây. Đảng Bảo thủ đang cần một bước nhảy khổng lồ để có thêm hơn 100 ghế và từ đó chiếm đại đa số trong 650 ghế của Hạ viện.

Kinh tế là trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử. Cả ba đảng thực chất đã rục rịch từ trước đó cho một chiến dịch vận động tranh cử hiệu quả nhất. Ông Brown cam kết sẽ tạo dựng niềm tin trong cử tri sau khi xảy ra hàng loạt bê bối chi tiêu của các nghị sĩ. Lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông David Cameron, tuyên bố sẽ giải thích và lắng nghe ý kiến của cử tri. Còn Nick Clegg, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do - đảng lớn thứ ba ở Anh, đề nghị có sự thay đổi thật sự.

Ngay sau khi tuyên bố thời gian bầu cử ở trước nhà số 10 phố Downing, Thủ tướng Brown đã lên tàu và đến thị trấn Kent để gặp gỡ cử tri tại một siêu thị. Trong khi đó, ông Cameron đến một bệnh viện ở Edgbaston, Birmingham, còn ông Clegg gặp gỡ thanh niên ở Watford. Lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử ở Anh sẽ có ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, và mỗi đảng sẽ phải đưa ra một nội dung nhằm thu hút sự chú ý của cử tri.

Vượt qua cái bóng khổng lồ của người tiền nhiệm Tony Blair vốn là điều không đơn giản. Thủ tướng Brown lại còn giải quyết hậu trường bê bối chi tiêu của các nghị sĩ, đồng thời “thoát” được các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 1-2010. Nhà lãnh đạo này hiện đối mặt với quá nhiều thách thức, nhất là khi ông Cameron trong các cuộc thăm dò dư luận đều được cho là người lãnh đạo tốt nhất để đưa nước Anh ra khỏi thời kỳ suy thoái.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.