.

Khi ông “Trời” nổi giận

.

Bão không còn là bão mà là siêu bão. Hạn hán kéo dài và lan rộng cả một vùng, một miền rộng lớn. Đất chuồi dữ dội và rất nhanh. Động đất không chỉ như ở Haiti vừa qua mà có thể đạt tới mức chôn vùi tất cả…Những dự báo nghe ớn lạnh như vậy chẳng phải đâu xa lắm.

Và nỗi đau lên đến tột cùng khi xảy ra động đất. 

Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Vương quốc Anh, Gareth Thomas đã phác thảo bức tranh toàn cảnh thế giới của chúng ta vào năm 2015 không thể khủng khiếp hơn được nữa. Ông làm cho mọi người tưởng tượng tới sự giận dữ khủng khiếp của thiên nhiên do con người đã cố tâm làm, chỉ cho ngày hôm nay chứ không tính cho ngày mai. Kết quả nghiên cứu mới nhất của tổ chức Oxfam cho biết, hiện nay có đến 250 triệu người cần sự cứu trợ nhân đạo hằng năm vì bão lụt, hạn hán, động đất, đất chuồi. Nhưng con số đó sẽ tăng lên 50% trong vòng 5 năm tới.

Không thể cản lại sự tàn phá của con người với thiên nhiên, các quốc gia không thống nhất được kế hoạch hành động để giảm đà biến đổi khí hậu, tổ chức lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Quốc (LHQ) thực sự lo lắng cho những năm tiếp theo. Không thể ngăn sự phá hoại, tức là không giải quyết triệt để cái gốc của vấn đề, LHQ cũng đang đau đầu với công việc giải quyết hậu quả, tức là cái ngọn của vấn đề. Cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây đã cố gắng rất nhiều trong công tác cứu trợ nhân đạo nhưng tốc độ không thể bắt kịp với mức độ tăng nặng của thiên tai.

Nỗi thống khổ vì lũ lụt…  

Chuẩn bị đối phó với dự báo u ám cho tương lai là một việc vô cùng nhọc nhằn. Trong hoàn cảnh cần sự khẩn cấp, nhân sự vừa mỏng vừa yếu nên không giải quyết tốt được công việc. Căng nhất vẫn là vấn đề tài chính bởi dự báo tới năm 2013 Quỹ cứu trợ khẩn cấp của LHQ cần tới 1 tỷ USD mới có thể đủ kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay các nước giàu mạnh lại có thái độ làm ngơ đáng lo ngại. Mỹ năm vừa qua không đóng góp và năm nay chỉ đóng 10 triệu USD.
 
Ý chỉ đồng ý đóng góp 1,5 triệu USD. Trong lúc Pháp hai năm liên tiếp không đóng góp với lý do rất chung là kinh tế thế giới suy thoái. Các nhà hoạt động nhân đạo đã kêu gọi các quốc gia hùng mạnh hãy rạch ròi giữa sự suy thoái kinh tế ảnh hưởng với GDP của từng nước nhưng đừng bao giờ lạnh lùng nói “không” với công tác nhân đạo. Nói theo ông bà ta là “lá lành đùm lá rách”.

Trong khi đó, nhà hoạt động môi trường kỳ cựu người Anh James Lovelock, 90 tuổi đã nặng lời: “Con người chúng ta đã quá nhẫn tâm với thiên nhiên nên phải chấp nhận trả giá. Chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức một cách tích cực nếu không muốn đón nhận sự giận dữ của thiên nhiên”. Ông đặt ra vấn đề là con người sẽ làm gì khi mức nước biển dâng cao? Có phải khi đó sẽ dẫn tới cách di dân và càng ngày đoàn người di dân sẽ dài ra và đoạn đường phải đi cũng sẽ xa hơn? Đã không biết bao nhiêu lần ông kêu gào người dân và cả chính phủ các nước hãy cố gắng sống thân thiện với môi trường, hãy cố gắng làm người bạn với thiên nhiên…

Anh Thư

;
.
.
.
.
.