.

Khủng hoảng nợ có thể lan rộng châu Âu

.

Khi Hy Lạp đang đứng bên bờ vực sụp đổ tài chính, châu Âu lo ngại tình trạng khủng hoảng nợ sẽ lan rộng ra châu lục này.

Các giáo viên thất nghiệp biểu tình chống Chính phủ ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: AP 

Các nhà đầu tư đang lo lắng rằng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí cả Ireland cũng có thể sẽ vay mượn hàng tỷ USD để trang trải chi tiêu cho chính phủ. Reuters dẫn lời William Sullivan ở Tập đoàn tài chính JVB tại Florida (Mỹ) khẳng định: “Cuộc khủng hoảng từ Hy Lạp đã vượt ra khỏi kiểm soát”. Trong khi đó, báo New York Times dẫn lời Philip Lane, giáo sư Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Trinity ở Ireland, so sánh tình trạng này giống như thất bại của Phố Wall với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và tập đoàn tài chính Bear Stearns trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cơ quan xếp hạng Standard & Poor’s (S&P) đã hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, khiến các nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy rằng “cơn bạo bệnh” tài chính đang lan rộng. S&P cảnh báo: Các chủ nợ của Hy Lạp có thể phải chịu thiệt hại lớn nhưng lo ngại lớn hơn cả vẫn là khủng hoảng nợ của Athens đang lan nhanh sang các thành viên trong khối đồng tiền chung châu Âu. Ở các nước phát triển, tình trạng nợ đọng được cho là an toàn bởi Chính phủ có thể tăng thuế hoặc lệ phí để trả nợ. Nhưng theo New York Times, thu nhập của các nước đã giảm đáng kể trong cuộc suy thoái kinh tế và việc thu thuế cao của Chính phủ sẽ có nguy cơ làm nền kinh tế chậm phát triển.

Hãng tin AP cho biết, nhiều nhà đầu tư tin rằng trong những tuần tới Hy Lạp sẽ đủ tiền để tránh vỡ nợ, nhưng thực tế tương lai rất u ám. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papakonstantinou ngày 27-4 đã tuyên bố Hy Lạp không còn khả năng thu hút vốn từ thị trường. Theo đó, Athens cần gấp gói cứu trợ tài chính chung của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước ngày 19-5, thời điểm nước này phải thanh toán khoản nợ trị giá 8,5 tỷ euro. Ông George Papakonstantinou đồng thời cảnh báo thâm hụt ngân sách của nước này năm 2009 có thể vượt 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Edward Yardeni, Chủ tịch Viện nghiên cứu Yardeni nói rằng, tình hình đang nhanh chóng xấu đi và việc tạo nên hiệu ứng domino là điều khó tránh khỏi.

Lãnh đạo 15 nước đối tác của Hy Lạp cùng sử dụng đồng tiền chung châu Âu có kế hoạch tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10-5 tới để nhất trí về khoản cho vay cứu trợ trị giá 30 tỷ euro cho Athens.

Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế của IMF cho hay, tổ chức này có thể cam kết 200 tỷ USD trợ giúp cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhưng số tiền này vẫn có thể chưa đủ để giải quyết “cơn động đất”. Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, riêng Hy Lạp thực tế sẽ cần 150 tỷ euro trong giai đoạn 3 năm tới. Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu nói rằng, khu vực đồng euro đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi thông qua Hiệp ước Maastricht vào năm 1997.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.