(ĐNĐT) - Ngày 7-4, thủ lĩnh phe đối lập tại Kyrgyzstan, Roza Otunbayeva cho biết đã kiểm soát được chính phủ sau các cuộc biểu tình bạo lực, buộc tổng thống đất nước vùng Trung Á này phải rời bỏ thủ đô. Hơn 440 người bị thương vong trong các cuộc đụng độ
Tình trạng bạo loạn đang xảy ra ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan (Ảnh: AFP) |
Bà Otunbayeva, cựu Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của Tổng thống Kurmanbek Bakiyev, cho rằng bà muốn tổng thống phải từ chức.
Hiện Thủ tướng Daniyar Usenov đã đồng ý từ chức nhưng Tổng thống Bakiyev vẫn chưa chịu đồng ý. Bà Otunbayeva cho biết bà chưa có liên lạc gì với ông Bakiyev cũng như không biết hiện ông ở đâu.
Bà phát biểu: “Giờ thì chúng tôi đã có một chính phủ lâm thời và tôi là người đứng đầu chính phủ đó. Tôi sẽ tại vị trong vòng nửa năm, trong suốt thời gian đó, tôi sẽ soạn thảo hiến pháp và tạo điều kiện cho một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.
Một thành viên đối lập trong chính phủ cho biết, ông Bakiyev đã bay đến thành phố Osh, nằm ở phía nam đất nước, để lại sau lưng thủ đô Bishkek, nơi những người biểu tình đang đốt phá cơ quan Bộ Tư pháp và tiến hành đập phá xe cộ trong các tòa nhà chính phủ.
Cảnh sát chống bạo động Kyrgyzstan bị người biểu tình tấn công. Ảnh: AP |
Ông Bakiyev lên nắm quyền từ năm 2005 trong cuộc biểu tình mang tên “cách mạng hoa Tulip” với sự phối hợp của bà Otunbayeva. Cuộc biểu tình đó đã phế truất tổng thống đầu tiên thời hậu Xô-viết của Kyrgyzstan, ông Askar Akayev.
Trong khi đó, tại thủ đô Bishkek, tình trạng bạo lực vẫn diễn ra suốt đêm. Các đám đông cướp bóc các cửa hàng, chạy trên những còn đường đầy gạch đá và kính vỡ, reo hò. Nhiều tòa nhà vẫn đang bốc cháy, trong đó có cả tòa nhà của Bộ Tư pháp.
Bộ Y tế cho biết 40 người đã thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ. Trong khi đó, phe đối lập cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng bởi tiếng súng của cảnh sát.
Hãng tin Kyrgyzstan cho biết, những kẻ cướp bóc đã lục soát và đốt một ngôi nhà của gia đình ông Bakiyev.
Trước những diễn biến trên, Mỹ lên án tình trạng bạo lực và kêu gọi tôn trọng pháp luật và cho biết Washington tin tưởng Chính phủ Kyrgyzstan vẫn đang kiểm soát tình hình.
Từ Moscow, Thủ tướng Nga Putin đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Moscow đứng đằng sau các cuộc bạo loạn. Nga cho rằng đó là chuyện nội bộ của Kyrgyzstan, các bên nên có sự kiềm chế.
Kyrgyzstan là quốc gia thuộc Liên bang Xô viết trước đây với 5,3 triệu dân. Đây là nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ cùng với Trung Quốc và Nga. Mỹ hiện là nhà tài trợ chính cho Kyrgyzstan.
Quang Hiển (theo Reuters, BBC)