.

Mỹ - Nga và thỏa thuận hạt nhân mới

.

Ngày 8-4, dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev sẽ ký thỏa thuận lịch sử tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, thúc đẩy tiến trình giải giáp hạt nhân ở mỗi nước. Hiệp ước này được cho là thay thế hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 1), vốn đã hết hạn từ tháng 12 năm ngoái.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố chính sách hạt nhân mới cùng Chủ tịch Hội đồng liên quân Michael Mullen (bìa trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (phải). Ảnh: AP  

Theo Tân Hoa Xã, hiệp ước là khởi đầu mới cho mục tiêu thế giới phi hạt nhân, bởi lẽ Mỹ và Nga sở hữu đến 95% vũ khí hạt nhân của thế giới. Ước tính Mỹ đang có khoảng 2.200 đầu đạn, trong khi con số này ở Nga khoảng 3.000. Với hiệp ước mới, mỗi bên sẽ giảm 30% lượng đầu đạn hạt nhân còn không quá 1.550 đơn vị. Mỗi bên cũng chỉ còn lại không quá 700 đơn vị mang tên lửa đạn đạo, kể cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng.

Hãng Itar-Tass dẫn lời Sergei Prikhodko - trợ lý Tổng thống Nga - nói rằng đạt được hiệp ước START mới này, Mỹ và Nga đã đặt lên trên hết trách nhiệm của họ vì sự ổn định chiến lược của thế giới, chứ không chỉ là mối quan tâm an ninh quốc gia của riêng mỗi bên. Tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nguyên tắc chính của cuộc đàm phán Nga-Mỹ về hiệp ước START mới là an ninh, bình đẳng và toàn vẹn của các bên. Theo ông Lavrov, hai bên đã tìm được cách giải quyết và nhân nhượng lẫn nhau để bảo đảm sự ổn định chiến lược.

Báo Christian Science Monitor cho rằng, hiệp ước START mới rất quan trọng với Mỹ trong việc “cài đặt” lại mối quan hệ với Nga bởi Washington sẽ có lợi đủ đường. Mỹ cần sự trợ giúp của Mátxcơva trong nhiều vấn đề an ninh cấp thiết, bao gồm mục tiêu xa của ông Obama về một thế giới phi hạt nhân.
 
Khi bảo đảm rằng Nga sẵn sàng nối lại đàm phán về thỏa thuận START thì Tổng thống Obama dễ dàng thu hẹp các tiêu chí sử dụng vũ khí hạt nhân mà ông vừa đưa ra hôm 6-4 (còn gọi là chính sách Xem xét vũ khí hạt nhân - NPR). Bên cạnh đó, Washington cũng cần sự hợp tác của Nga đối với vấn đề Iran. Ông Obama không thể mang các biện pháp trừng phạt của LHQ chống lại Tehran mà không có sự thông qua của Nga (hoặc Trung Quốc) tại Hội đồng Bảo an LHQ. Đồng thời, sự trợ giúp của Mátxcơva còn tạo điều kiện thuận lợi cho Washington mở rộng các chiến dịch chống lại Taliban ở Afghanistan.

Tân Hoa Xã cho hay, NPR thiết lập chính sách hạt nhân, chiến lược, tiềm năng của Mỹ từ 5-10 năm tới, đồng thời đánh dấu sự đột phá so với học thuyết hạt nhân dưới thời đại của người tiền nhiệm G.W.Bush. Theo tờ USA Today, chính sách dưới thời ông Bush cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm ngăn cản các mối đe dọa, bao gồm vũ khí hóa học và sinh học. Nhưng lần này Mỹ cam kết không tấn công hạt nhân vào các nước không có vũ khí này nếu họ tuân thủ Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cho dù họ tấn công Mỹ bằng vũ khí sinh học, hóa học hay tấn công qua mạng. Đây cũng là tiền đề để Mỹ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân được tổ chức tại Washington vào ngày 12 và 13-4 tới với sự tham dự của 47 quốc gia.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố chính sách hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ đưa ra đúng thời điểm. Nhiều đồng minh ở châu Á, vốn được hưởng lợi từ “chiếc ô hạt nhân” của Washington, ngày 7-4 cũng hoan nghênh chính sách mới của ông Obama. Năm ngoái, Tổng thống Obama đã từng bày tỏ mong muốn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và Mỹ phải đi tiên phong trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc hoàn tất học thuyết hạt nhân mới đã bị chậm lại do các cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ chính quyền Mỹ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.