Trung Quốc tuyên bố ủng hộ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Iran, nhưng cho rằng trừng phạt không phải là cách tháo gỡ khủng hoảng chương trình hạt nhân của Tehran.
Cuộc gặp gỡ song phương giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) bàn về vấn đề Iran kéo dài 90 phút. Ảnh: THX |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục các nhà lãnh đạo ủng hộ hơn nữa các biện pháp trừng phạt Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Báo Washington Post cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân là cuộc họp lớn đầu tiên của các lãnh đạo thế giới tập trung vào việc không để nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay các nhóm khủng bố như Al-Qaeda. Đồng thời, thông điệp mà Tổng thống Obama muốn chuyển đến Iran là phải lưu ý đến nỗ lực của quốc tế trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Obama cũng nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc (LHQ) trong các biện pháp trừng phạt Iran.
Sự ủng hộ của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng bởi nước này là một trong năm nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trung Quốc vốn trước đó chống lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn và cho rằng những biện pháp này sẽ làm hủy hoại mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh với Tehran. Theo báo Washington Post, Tổng thống Obama đã có sự thống nhất của Anh, Pháp, Đức và giờ đây có thêm sự hậu thuẫn từ Trung Quốc. Trong khi đó, Nga cũng cho hay họ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực trừng phạt và như thế ông Obama có trọn vẹn sự ủng hộ của các thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ.
Tuy nhiên, Ma Zhaoxu, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc, thận trọng khi khẳng định cả hai phía vẫn còn bất đồng về các yếu tố trong những biện pháp trừng phạt Iran. Ông Ma Zhaoxu cho biết, trao đổi với Tổng thống Obama, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bày tỏ hy vọng các nước sẽ “tìm kiếm những cách hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua đối thoại và đàm phán”. Hãng AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Jiang Yu, cho hay: Trung Quốc ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Iran, đồng thời xem xét khả năng trừng phạt nếu việc đối thoại không ngăn được chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Jiang nhấn mạnh: Đối thoại và đàm phán là cách tốt nhất.
Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Ikia Amano nói rằng, các cường quốc hạt nhân cần nỗ lực hơn để bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân. Theo Ngoại trưởng Anh David Miliband, thông điệp từ Hội nghị này là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được đối xử như một nước bình thường về vấn đề hạt nhân nếu quốc gia đó cư xử như một nước bình thường. Trong khi đó, John Brennan - chuyên gia cấp cao chống khủng bố của Mỹ - cảnh báo: Al-Qaeda đã và đang tìm kiếm nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân trong hơn 15 năm qua.
Theo Jeffrey A. Bader - trợ lý An ninh quốc gia của Nhà Trắng về châu Á, hội nghị mang đến dấu hiệu về sự thống nhất quốc tế đối với vấn đề Iran. Đất nước Hồi giáo này không được mời đến hội nghị, cả CHDCND Triều Tiên - quốc gia đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2003 và hai lần thử vũ khí hạt nhân - cũng không có trong danh sách khách mời.
PHÚC NGUYÊN