.

Những khoảnh khắc bạo lực hãi hùng tại Bangkok

.

Đoạn video dài bảy phút do Hiro Muramoto, phóng viên ảnh đã làm việc cho hãng Reuters hơn 10 năm qua ghi lại trước khi bị tử thương, phác họa những khoảnh khắc đẫm máu trong vụ bạo lực trên đường phố Bangkok ở Thái Lan hôm cuối tuần.

Hình ảnh do phóng viên Muramoto quay trước lúc bị bắn tối 10/4. (Ảnh: Reuters)

Đó là một trong những video clip cuối cùng của phóng viên Muramoto, 43 tuổi, được công bố hôm qua.

Hãng tin Reuters cho hay anh qua đời hôm 10/4, do bị bắn xuyên ngực và hiện vẫn chưa xác định được ai là người đã nã đạn vào anh.

Muramoto là công dân Nhật Bản và đã làm việc cho Reuters ở Tokyo suốt 15 năm qua. Anh tới Thái Lan hôm 8/4. Sau khi bị thương, anh được đưa vào bệnh viện, rồi trút hơi thở cuối cùng hai ngày sau đó bởi viên đạn đã xuyên qua cơ thể anh.

Chiếc máy quay của Muramoto được trả lại cho Reuters sau đó.


Video clip do phóng viên Muramoto quay

Video clip trong máy ghi hình của Muramoto ghi lại được khoảnh khắc hãi hùng, căng thẳng và cuộc đổ máu lạnh lùng nhiều bất ngờ sau một tháng biểu tình tương đối hòa bình của phe "áo đỏ" ở Thái Lan.

Đoạn phim ngắn của Muramoto bắt đầu từ đằng sau các hàng rào của quân đội trong khung cảnh nền là Tượng đài Dân chủ, rất gần cầu Phan Fa và là địa điểm diễn ra vụ đụng độ đẫm máu nhất kể từ năm 1992.

Binh sĩ được trang bị vũ khí chống bạo động đứng với súng ống chĩa lên trời. Quanh đó, tiếng súng liên tục vang lên. Một người lính nhìn về phía Muramoto hai lần, mặt lộ rõ vẻ lo lắng nhưng không với thái độ đe dọa.

Ngay sau đó, một vụ nổ xảy ra chỉ cách nơi Muramoto đứng một vài mét, khiến bốn binh sĩ Thái Lan ngã xuống. Chỉ có hai người đứng dậy trong khói lửa và khập khiễng bước đi.

Một người quay phim truyền hình hoảng hốt chạy qua Muramoto. Quân lính tay cầm lá chắn cũng chạy về phía anh để tìm nơi ẩn nấp. Trong khi đó, Muramoto vẫn tiếp tục giữ máy và lùi dần về phía sau.

Máy camera lúc này tập trung vào một người lính đang nằm trên mặt đất, vừa bị thương với chiếc cổ đầy máu. Các đồng nghiệp đang cởi chiếc áo chống đạn khỏi cổ anh ta.

Trong khung hình tiếp theo, các binh sĩ cầm tay và dìu một người lính nữa, rõ ràng là đang đau đớn, trên đường. Khẩu súng cũng bị kéo lê theo anh ấy. Ở gần đó, một người đang bất động cũng được dìu kéo đi.

Máy quay hướng theo vết máu trên con đường nhựa sáng ánh đèn và có tấm bảng hiệu mừng lễ hội té nước Songkran, một trong những cái tết linh đình nhất ở Thái Lan. Lúc này, quân lính tạm rút lui. Đột nhiên góc quay thay đổi và hướng về phía những người áo đỏ. Hầu hết họ đều cầm gậy gộc. Nhiều người khác cầm khiên, có lẽ lấy từ tay quân lính. Một số người khác vẫy tay, có vẻ để chào ai đó đứng sau máy camera.

Một số nói chuyện với binh sĩ trong khi số người khác thì ném các thứ lên trời, một người bắt lấy rồi ngã xuống đất nhưng vô hại. Không ai để ý tới chiếc máy vẫn đang ghi hình.

Tuy nhiên, chính vào thời điểm đó, tại một giao lộ, một đoạn phim từ các nguồn khác cho thấy những tay súng đang chạy. Họ mặc trang phục đen và tối màu kiểu thường dân, không phải màu đỏ hay màu xanh của binh sỹ.

Chính phủ Thái Lan nhắc đến "lực lượng thứ ba" liên quan tới cuộc biểu tình và hứa sẽ điều tra sự kiện liên quan tới cái chết của Muramoto - người cha của hai con nhỏ.

Cuộc biểu tình của phe áo đỏ diễn ra suốt một tháng nay ở Bangkok trong chiến dịch đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức và tiến hành bầu cử sớm.

Hôm 10/4, quân đội lần đầu tiên bắn đạn cao su và hơi cay vào đám người biểu tình và họ đáp trả bằng bom xăng hay những loại vũ khí khác. Đây được xem là cuộc bạo động đường phố tồi tệ nhất ở thủ đô của Thái Lan kể từ năm 1992.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.