.

Tháo gỡ khủng hoảng hàng không

.

* IATA chỉ trích các Chính phủ châu Âu

Ngày 19-4, một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp được tổ chức với sự tham gia của các Bộ trưởng Giao thông Liên minh châu Âu (EU) nhằm tháo gỡ khủng hoảng du lịch hàng không do khói bụi núi lửa dâng trào ở Iceland.

Hai phụ nữ này bị kẹt lại ở sân bay Hồng Kông. Các chuyến bay của họ bị hoãn nhiều ngày nay và chưa biết khi nào được nối lại. Ảnh: Getty Images 

Theo BBC, cuộc họp do Tây Ban Nha chủ trì đặt ra vấn đề rằng, những hành khách ở các nước như Anh, bị kẹt lại ở Mỹ hoặc châu Á, sẽ bay đến Tây Ban Nha và sau đó tiếp tục hành trình bằng tàu hỏa, bằng đường thủy hoặc ô-tô. Tính đến ngày 19-4, đã có hơn 6,8 triệu hành khách ở hơn 20 quốc gia bị ảnh hưởng và bước sang ngày thứ năm. Cao ủy phụ trách giao thông của EU, Siim Kallas nói: “Chúng tôi không thể ngồi yên chờ đợi cho đến khi xua tan những đám mây tro bụi”. Trong khi đó, một số sân bay châu Âu đã mở cửa trở lại sau khi EU cho biết, nếu dự báo thời tiết xác định bầu trời đang dần quang đãng, giao thông bằng đường hàng không trên châu lục có thể trở lại với 50% mức độ thường nhật.

AP dẫn lời các nhà chức trách Áo cho hay, họ đã mở cửa trở lại không phận nước này. Sân bay Arlanda ở Stockholm cũng mở cửa sau khi các quan chức Cục hàng không Thụy Điển dỡ bỏ lệnh hạn chế bay. Tuy nhiên, hầu hết các chuyến bay ở Áo và Thụy Điển vẫn bị hoãn. Phần Lan đã mở cửa các sân bay Tampere và Turku nhưng sân bay Helsinki vẫn đóng cửa. Còn Na Uy đã nối lại một số chuyến bay nội địa tại sân bay Gardermoen ở Oslo. Đức, Anh và Hà Lan khẳng định vẫn tiếp tục đóng cửa không phận. Việc hạn chế bay trên bầu trời nước Anh vẫn giữ nguyên cho đến ít nhất sáng nay (20-4). Một số nước khác quyết định đóng cửa không phận cho đến cuối ngày 18-4, ngày 19 và 20-4 do lo ngại về cảnh báo của các nhà khí tượng học rằng tro bụi ảnh hưởng đến các chuyến bay vẫn khó tiên đoán và rất nguy hiểm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã yêu cầu thành lập một nhóm nghiên cứu về tác động của tro bụi núi lửa đối với nền kinh tế châu lục này. Trong khi đó, theo báo New York Times, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 19-4 chỉ trích gay gắt các Chính phủ châu Âu đã thiếu vai trò lãnh đạo trong khi điều hành việc đóng cửa không phận.

Thiệt hại 2 tỷ USD
Báo New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho biết, khủng hoảng ngành công nghiệp hàng không ước tính thiệt hại những ngày qua là 1 tỷ USD và sẽ có thể lên đến 2 tỷ USD. Trong thập niên trước, ngành hàng không đã từng thiệt hại tổng cộng 50 tỷ USD sau các vụ tấn công 11-9, dịch SARS năm 2004, giá nhiên liệu gia tăng vào năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế.

Từ khi khói bụi tro bao phủ bầu trời châu Âu vào cuối ngày 15-4, hơn 63.000 chuyến bay đã bị hoãn. Tổ chức kiểm soát giao thông hàng không châu Âu Eurocontrol có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho hay, 20.000 chuyến bay trong tổng lịch bay là 24.000 chuyến đã bị hoãn vào ngày 18-4.

Các hãng vận chuyển của châu Á đã hoãn các chuyến bay đến châu Âu vào ngày 19-4 bao gồm: Cathay Pacific, Qantas, Japan Airlines, Korean Air, Air New Zealand, Thai Airways và China Airlines. Cathay, có trụ sở ở Hồng Kông, và Qantas của Australia cũng hoãn nhiều chuyến bay vào hôm nay (20-4). 


VĨNH AN

;
.
.
.
.
.