.
Thế giới tuần qua

Cứu sông Mekong

.

Hôm nay (5-4), Hội nghị cấp cao lần thứ nhất Ủy ban sông Mekong quốc tế (MRC) sẽ diễn ra tại Hua Hin, tỉnh Prachuap Khiri Khan (Thái Lan), với sự tham dự của Thủ tướng các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, cùng với đại diện Trung Quốc và Myanmar.

Một nông dân Campuchia lấy nước tưới cho mùa vụ ở tỉnh Kandal, ngoại ô Phnom Penh. (Ảnh: Reuters) 

Trước đó, vấn đề tồn tại tự nhiên của sông Mekong và cuộc sống của người dân các nước có liên quan chặt chẽ đến con sông này đã được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị quốc tế Quản lý các nguồn nước xuyên biên giới vào ngày 2 và 3-4 cũng tại Hua Hin. Các sự kiện diễn ra trong lúc sông Mekong, vốn cung cấp lương thực, vận chuyển và nước tưới cho hơn 65 triệu người tại sáu quốc gia, trở nên cạn kiệt ở mức báo động nhất trong gần 20 năm qua. Nguyên nhân được cho là do các con đập khổng lồ của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến sông thay đổi dòng chảy và khô cạn. MRC cũng đưa ra báo cáo về tình trạng khu vực lòng chảo sông Mekong, cảnh báo các kế hoạch xây dựng đập thủy điện và việc dân số gia tăng có thể đe dọa hệ sinh thái ở khu vực này.

Bài viết “Mekong: Vấn đề của sự sống và cái chết” đăng tải trên báo The Nation của Thái Lan ngày 2-4 cho rằng, Hội nghị cấp cao lần này là diễn đàn phù hợp để xem xét các vấn đề của Mekong và thúc đẩy chương trình phát triển các nền kinh tế trong khuôn khổ quản lý tài nguyên nước nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái của Mekong. Hợp tác và đối thoại để từ đó thúc đẩy phát triển bền vững là điều mà người dân ở hai bờ Mekong mong đợi.

Trung Quốc, nước đang bị chỉ trích đã xây dựng những con đập lớn dẫn đến việc sông Mekong thay đổi dòng chảy và trở nên khô cạn, lần đầu tiên lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Các quan chức Trung Quốc cũng như các chuyên gia kỹ thuật của MRC nói rằng, các bằng chứng khoa học cho thấy nguyên nhân không do các con đập khổng lồ của Trung Quốc. Phó Tổng giám đốc Vụ hợp tác quốc tế Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc Chen Mingzhon khẳng định nước sông Mekong cạn không phải do Trung Quốc xây các đập thủy điện, mà chủ yếu là do thời tiết hạn hán trong khu vực.

Hãng AFP cho biết, có nhiều mối quan ngại về con đập Xiowan cao 292m của Trung Quốc dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay. Được ví như con khủng long ở thượng nguồn sông Mekong, đây sẽ là con đập cao nhất thế giới với khả năng chứa bằng với nguồn dự trữ nước của tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Đó là chưa kể đến việc 15 con đập khác dự kiến sẽ được xây dựng dọc theo sông Mekong. Trong đó, Trung Quốc dự kiến xây thêm 4 con đập và 11 con đập khác sẽ được thiết kế trên phần của Thái Lan, Lào và Campuchia.

Chính Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán từ năm ngoái đến nay, cụ thể tác động trực tiếp đến khoảng 61 triệu người và hơn 5 triệu hecta đất trở nên cằn cỗi ở Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Quảng Tây. Riêng tại nhiều nơi ở Vân Nam, đây là thời gian hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua, khiến 5,6 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu nước.

15 năm qua kể từ khi thành lập, MRC được cho rằng vẫn chưa thật sự thành công trong các dự án, bởi các dự án này quá chú tâm vào việc phát triển kinh tế, thay vì tiên liệu được những hậu quả đối với văn hóa, xã hội và môi trường. Các nhà hoạt động môi trường, các học giả đang kêu gọi MRC xem xét lại kế hoạch phát triển thủy điện. Họ cho rằng các kế hoạch này sẽ gây bất lợi đến cuộc sống của hàng triệu người. Bởi vậy, đây sẽ là bài toán nan giải khi cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các vấn đề phát triển bền vững.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.