.
Thế giới tuần qua

Kịch bản cũ

.

Những gì xảy ra tại Kyrgyzstan trong những ngày qua thực chất là kịch bản cũ của cuộc cách mạng hoa tulip năm 2005.

Đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng ở thủ đô Bishkek. Ảnh: THX  

Khi Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ, các nhà quan sát và người dân đất nước Trung Á này không quá bất ngờ với cuộc đảo chính, nhưng điều đau lòng là có đến ít nhất 79 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương, đồng thời diễn biến nhanh hơn dự kiến. Một kịch bản từng diễn ra cách đây 5 năm được lặp lại. Oái ăm là 5 năm trước, ông Bakiyev trong tư thế người chiến thắng đã lật đổ người tiền nhiệm Askar Akayev, khiến ông này phải rời khỏi thủ đô Bishkek để chạy nạn đến Mátxcơva nhằm bảo toàn cho bản thân mình cùng hàng triệu USD được biển thủ trong suốt thời gian nắm quyền. Nhưng nay ông Bakiyev trong tư thế thất bại phải chạy nạn khỏi Bishkek và được cho là đang ở quê nhà Jalal-Abad.

Lên nắm quyền vào năm 2005 và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với sự giám sát của tổ chức an ninh lớn nhất khu vực: Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Bakiyev đã cam kết về nền dân chủ và đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, 5 năm sau, ông không làm được những gì đã hứa, thậm chí lại đi vào “vết xe đổ” của người tiền nhiệm. Kinh tế suy yếu, tham nhũng tràn lan - sự phẫn nộ của dân chúng - nổi dậy - lật đổ chính phủ. Đó là những hệ quả tất yếu từ đống đổ nát của cuộc cách mạng hoa tulip năm nào. Đó cũng là hệ quả tất yếu của việc ông Bakiyev giành gần hết miếng bánh ngon cho gia đình mình.

Hãng tin AP cho biết, một số người dân nói rằng Tổng thống Bakiyev đã làm được nhiều việc cho Kyrgyzstan như xây dựng nền kinh tế, trường học, đường sá, nhà trẻ…, nhưng chính gia đình ông đã khiến vị chính trị gia này đi lạc đường. Song, nhiều người tỏ ra mệt mỏi với bất ổn chính trị và sẵn lòng ủng hộ bất kỳ ai có thể mang lại sự ổn định cho một đất nước có 5,3 triệu dân.

Thông điệp được các lãnh đạo Chính phủ lâm thời đưa ra là bảo đảm an toàn cho Tổng thống Bakiyev nếu ông chịu từ chức. Mặc dù trước đó, ngay trong ngày phe đối lập chiếm Chính phủ (8-4), tỉnh trưởng Jalalabad đã loan báo việc Tổng thống từ chức nhưng ngay hôm sau, ông Bakiyev chính thức bác bỏ thông tin này. Cho đến chiều 11-4, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy vị Tổng thống này chịu nhượng bộ. Theo AP, tình hình hiện tại chỉ làm dấy lên những nghi ngờ về sự ổn định của Kyrgyzstan, nhất là khi lãnh đạo lâm thời, bà Roza Otunbayeva, tiết lộ rằng đất nước này đang trong tình trạng khánh kiệt vì ông Bakiyev chỉ để lại 80 triệu USD trong ngân sách.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trao đổi qua điện thoại với nhà lãnh đạo lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ sau khi Tổng thống Bakiyev bị lật đổ. Bà Clinton đã đề nghị trợ giúp nhân đạo và thảo luận về sự cần thiết ổn định tình hình khu vực, cũng như tầm quan trọng của căn cứ không quân Manas. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Blake sẽ đến Kyrgyzstan. Điều đó càng minh chứng cho sự sốt sắng của Mỹ đối với số phận của căn cứ Manas.

Thực chất, cả Nga và Mỹ đều không muốn mất Manas. Mátxcơva không muốn “ông lớn” Washington xuất hiện ở “sân sau” của mình. Còn với Mỹ, mất Manas là mất một trạm trung chuyển chiến lược cho Afghanistan - chiến trường chống khủng bố lớn nhất. Chẳng thế mà khi Kyrgyzstan làm mình làm mẩy về việc đi - ở của lực lượng quân đội Mỹ, Washington sẵn sàng chi gần gấp 4 lần để thuê căn cứ Manas (từ 17 triệu USD lên 63 triệu USD).

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.