.
Thế giới tuần qua

Tê liệt bầu trời châu Âu

.

Chưa bao giờ ngành hàng không thế giới bị rối loạn nghiêm trọng như hiện nay bởi bầu trời châu Âu bị đóng cửa. Nguyên nhân là do khói bụi núi lửa dâng trào ở Iceland. Trước thực trạng núi lửa Eyjafjallajokull ở miền Nam Iceland tiếp tục hoạt động mạnh, hầu hết các nước quyết định gia hạn thêm lệnh cấm bay sang tuần này trong khi các hãng hàng không từ các lục địa khác cũng tiếp tục hoãn các chuyến bay đến châu Âu, khiến hàng trăm ngàn hành khách bị mắc kẹt ở khắp nơi trên thế giới.

Du khách tập trung tại một nhà ga tàu hỏa ở Paris sau khi đường hàng không tê liệt. (Ảnh: NYT)

Tính đến hôm qua (18-4), khủng hoảng du lịch hàng không đã bước sang ngày thứ tư. Và chi phí tổn thất của ngành hàng không thế giới thật khủng khiếp: hơn 200 triệu USD/ngày - theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Riêng trong ngày 17-4, hơn 18.000 chuyến bay trên không phận châu Âu đã bị hủy và gần 17.000 chuyến bay bị hoãn. Ở Mỹ, 337 chuyến bay đến từ châu Âu và khởi hành từ Mỹ đến châu lục này đã bị hoãn. Tại châu Á, các khách sạn từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đến Singapore đều đông kín khách bị kẹt lại. Đây là điều chưa từng xảy ra.

Hiệp hội đại diện cho 230 hãng hàng không chiếm 93% hoạt động vận tải thương mại quốc tế này cho rằng, tình trạng vận tải hàng không tê liệt trên toàn châu Âu hiện nay “có thể so sánh với việc ngừng hàng loạt chuyến bay” sau các vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ. Năm 2001, sau khi Al-Qaeda tấn công New York và Washington, Mỹ đã đóng cửa không phận trong ba ngày, khiến các hãng hàng không châu Âu phải ngừng toàn bộ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), về mặt kinh tế, thậm chí ảnh hưởng của tình trạng tê liệt hàng không ở châu Âu còn khốc liệt hơn nhiều so với năm 2001.

Các nhà khoa học chomacma phun ra từ miệng núi lửa bị làm lạnh nhanh chóng, gây ra các vụ nổ và cột khói bụi chứa các hạt đá nhỏ li ti có thể ảnh hưởng tới động cơ máy bay. Theo Cơ quan khí tượng học Iceland, gió sẽ tiếp tục thổi tro bụi từ nước này tới Nga trong ít nhất hai ngày nữa và tình trạng có thể kéo dài tới tận giữa tuần này. Hôm qua, các chuyến bay thử nghiệm không chở khách của Hà Lan và Đức nhằm đánh giá ảnh hưởng của tro bụi tới hoạt động của máy bay đã thành công mở ra hy vọng sẽ sớm khắc phục được tình trạng khủng hoảng này.

Sân bay Pháp đóng cửa ít nhất đến sáng nay (19-4). Italia vẫn giữ lệnh đóng cửa các sân bay ở miền Bắc. Trong khi đó, Bỉ, Anh, Ireland, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ gia hạn lệnh cấm bay đến sáng 18-4 (giờ địa phương)… Do vùng cấm bay rộng lớn nên không chỉ riêng ngành hàng không thế giới mà cả các ngành kinh doanh khác cũng phải hứng chịu thiệt hại. Các nhà xuất khẩu hoa của Kenya đang nóng lòng chờ các chuyến bay được nối lại bởi còn bị trì hoãn ngày nào thì họ phải chịu mất 2 triệu USD ngày ấy và con số thiệt hại này theo đó sẽ tăng lên từng ngày.
 
Hoa của Kenya chiếm 1/3 lượng hoa nhập khẩu ở Liên minh châu Âu. Song, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, khói bụi núi lửa sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của những người dân châu Âu và khu vực xung quanh núi lửa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính: 1/4 lượng khói bụi từ núi lửa là những phân tử có thể thâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, đe dọa sức khỏe con người. Núi lửa ở Eyjafjallajokull phun nham thạch cũng đã làm sông băng tan chảy gây ra lụt lội nghiêm trọng cho các nông trại xung quanh làng Hvolsvollur, cách thủ đô Reykjavik khoảng 85km. Đây là đợt hoạt động thứ hai của núi lửa Eyjafjallajokull trong vòng một tháng qua.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.