.

CHDCND Triều Tiên báo động chiến tranh

.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đe dọa đáp trả các động thái mà họ cho là “sự khiêu khích” từ phía Hàn Quốc.

Các binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận ngày 24-5 ở Paju, gần khu vực chia tách hai miền Triều Tiên. Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã đặt 1,2 triệu thành viên quân đội và các tổ chức dân sự trong tình trạng báo động chiến tranh sau khi Hàn Quốc cáo buộc Bình Nhưỡng làm đắm tàu chiến Cheonan. Theo trang web của tổ chức Đoàn kết trí thức (NKIS) có trụ sở ở Seoul, lệnh báo động này được đưa ra từ ngày 20-5, thời điểm Hàn Quốc công bố báo cáo điều tra cho rằng, ngư lôi của CHDCND Triều Tiên đã đánh chìm tàu Cheonan.

Hãng AFP cho hay, các cơ quan tình báo của Hàn Quốc đang kiểm chứng thông tin trên. Trong khi đó, cùng với việc cắt đứt thương mại, Hàn Quốc cũng nối lại các hệ thống phát thanh tuyên truyền phục vụ kế hoạch chiến tranh tâm lý với CHDCND Triều Tiên nhằm trả đũa thảm họa tàu chiến. Theo đó, từ tối 24-5, cứ ba lần/ngày, quân đội Hàn Quốc phát sóng radio âm nhạc phương Tây, tin tức và những so sánh về tình hình kinh tế - chính trị giữa hai miền Triều Tiên. Đồng thời, quân đội rải truyền đơn, cung cấp thông tin cho người dân về vụ đắm tàu. Trong vài tuần tới, Hàn Quốc sẽ lắp đặt thêm nhiều loa phóng thanh và các bảng điện tử lớn dọc theo vùng biên giới giữa hai miền.

Theo ước tính của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), việc Seoul “đóng băng” thương mại với Bình Nhưỡng có thể làm quốc gia phía Bắc này mất hàng trăm triệu USD mỗi năm. Theo AP, những hành động này được đánh giá sẽ làm dấy lên phản ứng tức giận từ phía CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ liên quan đến vụ đắm tàu, đồng thời cảnh báo rằng sự trả đũa như thế sẽ đồng nghĩa với chiến tranh. Bình Nhưỡng còn cáo buộc Hàn Quốc xâm phạm lãnh hải nước này, đe dọa phá hủy bất kỳ cơ sở phát thanh nào thiết lập ở vùng biên giới giữa hai nước được canh phòng nghiêm ngặt.

Mỹ ủng hộ các động thái của Seoul nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm việc đưa nước này ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Washington, vốn đang có hàng ngàn binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc, đã chỉ trích vụ đắm tàu Cheonan và cuối ngày 24-5 xác nhận rằng sẽ tham gia tập trận hải quân với Seoul. Yonhap dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc nói rằng, các cuộc tập trận sẽ diễn ra trong tương lai gần và là “hệ quả của những phát hiện về vụ việc gần đây”.

Ngày 25-5, Hàn Quốc thúc giục Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực quốc tế trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Song, phía Bắc Kinh nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an cho đến nay vẫn kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và cho rằng, “đối thoại vẫn tốt hơn đối đầu”. Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề CHDCND Triều Tiên Wu Dawei hôm qua đã đến Seoul để hội đàm với Ngoại trưởng Yu Myung-hwan. Còn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực gồm 15 nước thành viên của tổ chức này - lên tiếng đối với một trong những thảm họa hải quân tồi tệ nhất của Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đến nay.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.