.

Hội chợ… ly dị

.

Lần đầu tiên một hội chợ có tên Hội chợ thương mại ly dị được tổ chức tại Ý. Nó đã phản ánh được sự thay đổi văn hóa đáng kể ở đất nước hình chiếc ủng. Trước Ý, Áo và Pháp cũng đã tổ chức hội chợ tương tự vì sự cần kíp của xã hội.

Bà Stojkovic đang tư vấn cho các “khách hàng”. 

Hội chợ có quá nhiều gian hàng: luật sư đủ các lĩnh vực, các đại diện về địa ốc, nhà tư vấn hôn nhân, đơn vị kiểm tra AND và xác định tuổi. Các nhà tổ chức cho rằng đó là hội chợ rất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, là điều không ai chối cãi. Nhưng các nhà xã hội học, giới truyền thông đã phải giật mình khi nhận ra sự thay đổi xã hội cực lớn. Từ một quốc gia La Mã với truyền thống tập trung vào gia đình đang bước vào thời kỳ “xé” nhỏ từng gia đình. Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2007 có đến 80 nghìn cặp vợ chồng tạm sống ly thân và 50 nghìn cặp vợ chồng khác buộc phải “chia đàn xẻ nghé”. Một đất nước có 59 triệu dân như Ý mà số lượng ly thân và ly dị như vậy là cực kỳ đáng lo ngại. So với 3 thập niên trước, số lượng ly dị chỉ ở mức 12 nghìn vụ mỗi năm.

Các nhà xã hội học đổ lỗi cho phụ nữ với tính cách mạnh mẽ đã bẻ gãy những giá trị truyền thống như hôn nhân lâu dài và vợ chồng gắn bó suốt đời. “Người trong cuộc” Lorenza Lucianer, một nhân viên văn phòng đã hai lần ly dị đến hội chợ cho biết: Xã hội Ý đang chuyển biến giống như Mỹ khi mà đa số mọi người sống lâu dài với cuộc hôn nhân thứ hai. Thời gian để một cặp vợ chồng từ lúc làm lễ cưới cho đến ngày đến tòa làm thủ tục ly dị không nhanh như ở Mỹ nhưng cũng rất đáng ngại. Luật pháp Ý cũng rất… nỗ lực hàn gắn rạn nứt gia đình với quy định từ lúc ly thân lần đầu cho tới ly dị kéo dài tới 5 năm, trong khi ở các nước châu Âu chỉ là một năm còn ở Mỹ thì tốc độ nhanh như phim của Hollywood. Đó là quãng thời gian đủ dài để hai người cảm nhận sự thiếu vắng lẫn nhau, bỏ qua những lỗi lầm để quay lại sống cùng nhau. Người Ý có suy nghĩ ly dị là biện pháp cực đoan.

Thủ tướng Ý, Berlusconi sắp sửa ly dị người vợ thứ hai của mình. 

Người dân ở đất nước hình chiếc ủng cho rằng những nhà lập pháp đã không theo kịp sự thay đổi của xã hội. Ý chỉ phê chuẩn việc ly dị từ năm 1974 và cho đến nay vẫn không thay đổi những vấn đề “kéo theo”. Chẳng hạn như quy định trẻ vị thành niên ở với mẹ cũng tạo sức ép về phụ nữ khi họ không có thời gian làm những việc khác. Và cũng có thể bất công với đàn ông vì không được quyền chăm sóc con cái.

Milena Stojkovic sau khi ly dị hai năm đã thành lập trung tâm tư vấn ly dị mang tên Ciao Amore. Tự thân cái tên gọi mà Stojkovic muốn gửi gắm tới các “khách hàng” của mình là sẵn lòng chào đón mọi người tới đây nhưng cũng không muốn gặp lại họ một lần nữa, tức là sau khi được bà tư vấn thì gia đình nào đó sẽ được hàn gắn. Đối tượng mà bà tiếp đón chủ yếu là phụ nữ nên bà tin với những trải nghiệm của chính mình cộng với nắm bắt xu thế chung của toàn xã hội thì bà có thể giúp nhiều gia đình vui vẻ trở lại. Bà hướng những “khách hàng” của mình về việc “làm tươi” cuộc hôn nhân bằng những chuyến du lịch ngắn, lần đi spa, ăn tối tại nhà hàng…

TỊNH BẢO

 

 

;
.
.
.
.
.