.

Mỹ - Iran xung đột tại hội đàm về hạt nhân

.
(ĐNĐT) - Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã vướng vào một trận "đấu khẩu" về hạt nhân tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

 
Tổng thống Iran phát biểu tại hội nghị NTP hằng năm tại LHQ. Ảnh: AP
Các tham vọng hạt nhân của Iran đang đưa thế giới vào chỗ nguy hiểm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo.

Trong khi đó, cho rằng vũ khí hạt nhân là "ghê tởm và đáng xấu hổ", Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã yêu cầu LHQ phải trừng phạt những nước như Mỹ, đã đe dọa sẽ sử dụng chúng. Tehran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Bà ngoại trưởng Mỹ phát biểu trước các đại biểu tại một hội nghị về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) ngày 3-5 rằng Iran đã vi phạm các quy định của hiệp ước này và buộc phải giải thích về việc này.

Trước đó, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc các nước có vũ khí hạt nhân về việc đe dọa những nước muốn phát triển công nghệ hạt nhân hòa bình. Lời bình luận của Tổng thống Iran đã khiến các đại biểu từ Mỹ, Anh và Pháp bỏ ra ngoài. 

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó tiết lộ họ có tổng cộng 5.113 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình, một bí mật được che đậy suốt hơn 1 thế kỷ nay. Bà Clinton cho biết động thái này nhằm tăng cường sự minh bạch trong cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân và khuyến khích các nước khác làm theo.

Trong số bài phát biểu tại hội nghị hằng năm lần thứ 5 nhằm rà soát lại NTP, bà Clinton đã liên tục nhắm vào Iran, cáo buộc Tổng thống Ahmadinejad đưa ra "những lời buộc tội mệt mỏi, giả dối, và đôi khi rồ dại" đối với Mỹ và các nước khác.

Mỹ hiện đang đàm phán với các thành viên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ nhằm áp đặt vòng 4 của các biện pháp trừng phạt về kinh tế của LHQ đối với Iran.

Theo BBC, NTP bao gồm một cuộc mặc cả lớn. 5 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đồng ý cuối cùng sẽ giải trừ. Các bên khác đã ký vào hiệp ước đồng ý sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự tiếp cận đầy đủ công nghệ hạt nhân dân sự.

Tuy nhiên, sự thỏa thuận này đang ngày càng trở nên sáo mòn và các nhà phê bình tranh cãi rằng các nước có vũ khí hạt nhân đã không nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ giải trừ của mình.

N.Lê (Theo BBC, AP)
;
.
.
.
.
.