.

Nước sạch vạn dặm

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, kể từ năm 1990 đến nay đã giúp cho 1,3 tỷ người tiếp cận được nguồn nước sạch và 500 triệu người cải thiện đáng kể điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, mỗi ngày có khoảng 4 nghìn trẻ em trên thế giới chết vì những căn bệnh xuất phát từ nguồn nước ô nhiễm. Trên 880 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước sạch. Hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh bảo đảm. Những con số thống kê lạnh lùng đó được đưa ra tại Hội nghị cấp cao về Cải thiện nguồn nước và điều kiện vệ sinh cho toàn thế giới vừa diễn ra ở Mỹ.

Người dân Nam Phi mệt mỏi trở về sau một ngày tìm nước sạch. 

Giáo sư hàng đầu thế giới về nguồn nước, ông Asit Biswas có cách nhìn gần như phản bác lại báo cáo của LHQ. Ông khẳng định rằng toàn bộ mảng tranh màu hồng mà LHQ vẽ ra chỉ là chuyện “vớ vẩn”. Ông làm cố vấn cho nhiều quốc gia, cố vấn cho cả WHO nên ông đi thị sát rất nhiều. Ông rút tỉa sau cuộc thị sát ở Ấn Độ, Ai Cập và Mexico rằng, người dân các nước này khá thụ động trong việc sử dụng nguồn nước sạch. Họ hầu như im lặng và chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn mua bộ lọc, màn lọc để tạo ra hệ thống xử lý nước mini cho gia đình. Thông qua cách phản ứng im lặng của người dân, ông thấy được vấn đề không phải là sự khan hiếm nguồn nước mà quan trọng là cách quản lý kém, trong đó có cả tham nhũng. Ông đơn cử một trường hợp là nếu có một cái giếng nước tại một ngôi làng ở một đất nước đang phát triển thì việc phát triển nguồn nước sạch không phải là cách bê-tông hóa khu vực xung quanh giếng mà phải tác động, xử lý trực tiếp vào nguồn nước.

Hơn 2,6 tỷ người phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm như thế này. 

Trong cuộc hội thảo ở Paris, ông Biswas còn nói về cách quản lý nguồn nước hiện tại ẩn chứa quá nhiều mối họa cho môi trường mà những thế hệ kế tiếp mới hứng chịu. Có những vấn đề rất sát với thực tế cuộc sống không được đề cập như nguồn nước hiện tại như thế nào, lượng tiền đầu tư ra sao hay cách thức làm cho nguồn nước tốt hơn… Điều mà Biswas khuyến cáo là các chính trị gia đừng ngồi vào ghế quản lý nguồn nước bởi đó là nơi tốt nhất cho một chuyên gia có kinh nghiệm. Họ sẽ được ra lương cao nhưng sẽ bị trừng phạt nếu người dân “la làng” nguồn nước sử dụng bị nhiễm bẩn.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, Biswas ít nhiều vén bức màn đen về câu chuyện cải thiện nguồn nước và vệ sinh môi trường trên khắp thế giới. Không ai phủ nhận nỗ lực của WHO, nhưng con số đưa ra cho thấy chỉ có 42% số tiền viện trợ đến được nơi cần đến nhất. Hợp với thời điểm kinh tế thế giới tụt giảm, nhiều tổ chức tài chính lớn đã cho biết sẽ cắt giảm nguồn tiền viện trợ vào lĩnh vực này. Đại diện của WHO đã kêu gọi các nhà hảo tâm đừng ngó lơ bởi vì nếu thiếu tiền chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Một đại diện của tổ chức nước sạch ở Anh đúc kết “Nguồn nước ô nhiễm là thảm họa toàn cầu. Nó giết chết nhiều trẻ em còn hơn đại dịch HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại”.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.