Thái Lan đã trở lại bình thường; các trường học, cơ quan Chính phủ, thị trường tài chính mở cửa trở lại vào hôm nay (24-5). Bài phát biểu của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trên truyền hình sáng qua với những khẳng định về tình hình thực tại của Thái Lan là tín hiệu vui đối với đất nước này. Tuy nhiên, Bangkok sau 2 tháng diễn ra biểu tình đến nay là đống đổ nát với 36 tòa nhà bị đốt cháy, bao gồm sàn chứng khoán, Trung tâm Thương mại Central World…
Các công nhân dọn dẹp trại biểu tình của phe áo đỏ ở Bangkok. Ảnh: EPA |
Các công nhân đã dùng từ chổi cho đến xe ủi đất để dọn dẹp đống đổ nát, trong đó có những vật ngổn ngang mà phe áo đỏ đã dùng để làm hàng rào khi chiếm khu trung tâm mua sắm Bangkok. Lệnh giới nghiêm không những vẫn giữ nguyên đối với thủ đô cùng 23 tỉnh khác mà còn được kéo dài thêm ngày 23 và 24-5. Giải thích cho lệnh giới nghiêm này, Thủ tướng Abhisit nói rằng, Chính phủ của ông đang “nỗ lực cân bằng giữa việc khôi phục niềm tin của dân chúng về an ninh và việc giảm thiểu tác động của lệnh giới nghiêm đối với những người vô tội”. Ông Abhisit cũng cam kết thành lập một đội điều tra độc lập về những vụ giết người bên trong ngôi đền Pathum Wanaram vào tối 20-5.
Tuy Bangkok vừa tỉnh giấc sau một cơn ác mộng chưa từng có trong lịch sử hiện đại ở quốc gia châu Á này, nhưng việc dọn dẹp đống tro tàn là điều không đơn giản. Sau hai tháng biểu tình, ít nhất 85 người thiệt mạng, nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề mà ông Abhisit ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Song, bài viết trên trang nhất của nhật báo The Nation ngày 23-5 với tựa đề “Thời điểm để xây dựng lại” cho biết, riêng thiệt hại của những tòa nhà bị đốt cháy là 40 tỷ baht (1,2 tỷ USD). Ngành du lịch, vốn chiếm khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bị tổn thất nhiều nhất. Theo các nhà phân tích, thời gian này du lịch của Thái Lan sẽ không phục hồi trở lại cho đến đầu năm sau.
Tuyên bố chiến thắng, khẳng định tình hình đã được kiểm soát, kêu gọi hòa giải dân tộc…, nhưng chính Thủ tướng Abhisit cũng không bảo đảm chắc chắn được điều gì sẽ diễn ra. Vì thế, ông cho rằng sẽ không tổ chức bầu cử cho đến khi bạo lực kết thúc. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan về việc sẽ xem xét lại kế hoạch bầu cử hoàn toàn không bất ngờ với giới quan sát và cả với người dân Thái Lan, nhưng càng chứng minh rằng, nền chính trị của đất nước này đang rơi vào trạng thái mong manh. Đảo chính - biểu tình - xung đột… như một cơn ác mộng kéo dài nhấn chìm Thái Lan suốt thời gian qua. Sự hoài nghi của ông Abhisit không hẳn không có cơ sở khi phe áo đỏ vẫn khẳng định nối lại các cuộc biểu tình ở bên ngoài Bangkok vào tháng 6 tới. Ngoài ra, Puea Thai - Đảng chính chống lại Chính phủ - sẽ trình kiến nghị bất tín nhiệm với Thủ tướng Abhisit và các Bộ trưởng tại phiên họp Quốc hội đặc biệt vào hôm nay.
Trước mắt ông Abhisit là bao thách thức. Chính ông cũng thừa nhận rằng, Thái Lan đang đối mặt với “những thách thức khổng lồ”, trong đó khó khăn nhất là hàn gắn sự chia rẽ dân tộc. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 12-2008 đến nay, vị Thủ tướng thứ 27 của Thái Lan dường như chưa có một ngày bình yên. Liên tiếp hết lần này đến lần khác, ông phải đương đầu với hàng loạt các cuộc biểu tình chống lại Đảng Dân chủ cầm quyền. Theo luật của Thái Lan, ông Abhisit không bắt buộc phải tổ chức bầu cử sớm cho đến tháng 12-2011.
VĨNH AN