.
Thế giới tuần qua

Thế khó của Gordon Brown

.

Về nhì với 258 ghế và còn một khoảng cách dài để có được 326 ghế cần thiết trong Quốc hội, Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown đang lâm vào thế khó. Một liên minh được thành lập với Đảng Dân chủ Tự do - đảng về thứ ba với 57 ghế - cùng với các đảng nhỏ khác có thể giúp ông Brown giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Tự do lại đang muốn bắt tay với phe Bảo thủ. Và trong lúc này, các nghị sĩ trong Công đảng lại tạo sức ép để yêu cầu đương kim Thủ tướng phải từ chức bởi họ e ngại rằng việc ông Brown tiếp tục là lãnh đạo đảng sẽ làm hủy đi các cơ hội chia sẻ quyền lực với Đảng Dân chủ Tự do.

Ông Nick Clegg (trái) đang muốn bắt tay với ông David Cameron để đánh bại Thủ tướng Gordon Brown (phải). Ảnh: Getty Images

Nghị sĩ John Mann của Công đảng cho rằng sẽ là “thảm họa” cho đảng này khi ông Brown vẫn tại vị. “Chúng ta cần bầu ra một nhà lãnh đạo mới trong mùa hè này để điều hành Công đảng”, ông Mann nhấn mạnh. Đây là lần đầu tiên Công đảng công khai thách thức quyền lực của Thủ tướng Brown kể từ khi đảng này mất 91 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trong khi đó, kết quả khảo sát do Công ty YouGov ở Anh thực hiện và công bố trên tờ Sunday Times cho biết, 2/3 cử tri Anh tin rằng, ông Brown sẽ từ chức và mở đường cho một Thủ tướng mới lên nắm quyền. Chỉ có 1/3 cử tri cho rằng, ông có quyền ở lại trong trường hợp Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do không đạt được thỏa thuận liên minh. Sau 3 năm ông Brown kế vị, sự mờ nhạt của đương kim Thủ tướng này không vớt vát lại uy tín cho Công đảng và càng không thể xóa đi “cái bóng” của người tiền nhiệm Tony Blair. 

Cuộc thương lượng tại Westminster của lãnh đạo hai phe Dân chủ Tự do và Bảo thủ vào đêm 8-5 mặc dù được mô tả là “thân thiện và tích cực” nhưng vẫn chưa tìm được lời giải. Đảng Bảo thủ - đảng lớn nhất của nước Anh với 306 ghế - được quyền ưu tiên tìm kiếm liên minh để thành lập Chính phủ. Cả hai bên đang cố gắng tìm tiếng nói thống nhất trong các vấn đề chung: sự cần thiết cải cách giáo dục, xây dựng nền kinh tế ít carbon, cải cách hệ thống chính trị, phân chia quyền lực, bảo vệ quyền dân chủ… Song, theo các nhà phân tích, giữa ông Nick Clegg của phe Dân chủ Tự do và ông David Cameron của phe Bảo thủ có những dị biệt hơn là giữa Dân chủ Tự do và Công đảng. Còn giữa ông Nick Clegg và Gordon Brown thì có nhiều vấn đề chung như đề xuất cải cách bầu cử mà Công đảng đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hệ thống bầu cử…

BBC cho biết, các cuộc đàm phán mới giữa hai phe Dân chủ Tự do và Bảo thủ sẽ được tổ chức vào cuối ngày 9-5 (giờ địa phương) và một cuộc họp của các nghị sĩ Bảo thủ sẽ diễn ra vào hôm nay (10-5). Theo tờ Daily Telegraph, sự ra đi của Thủ tướng Brown sẽ mở ra cuộc đua cho vị trí lãnh đạo Công đảng, với các ứng viên bao gồm Ngoại trưởng David Miliband và Bộ trưởng Giáo dục Ed Balls. Còn theo tờ Sunday Telegraph, cả Ed Miliband - Bộ trưởng Thay đổi khí hậu - cũng sẵn sàng tham gia cuộc đua và sẽ đối đầu với anh trai của mình, ông David Miliband.         

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.