.
Thế giới tuần qua

Thỏa thuận lịch sử

.

Sau 15 năm, các nước Arab cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác để tiến đến việc cấm vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Tuy nhiên, trong vấn đề này vẫn có những bất đồng âm ỉ mà vẫn chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Nhà máy hạt nhân Dimona ở sa mạc Negev, miền Nam Israel. (Ảnh: AFP) 

Mặc dù Mỹ tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cùng với 188 quốc gia khác vào ngày 28-5 nhằm “bật đèn xanh” cho hội nghị năm 2012 “thiết lập một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân và những vũ khí hủy diệt khác”, nhưng các quan chức cấp cao của Mỹ dường như vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực sự của vấn đề này. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ James Jones nói rằng, sẽ không có một khu vực phi vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt chừng nào Trung Đông chưa có hòa bình trong khu vực.

Một tuyên bố chung dài 28 trang, trong đó có 11 trang là các kế hoạch hành động, được xem là thỏa thuận lịch sử có thể phá vỡ bế tắc vốn cản trở các hoạt động liên quan đến NPT trong suốt hơn một thập kỷ qua. Tuyên bố cũng thúc giục Israel tham gia NPT, nhưng không đề cập đến Iran - quốc gia bị cho là sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi. Các nhà phân tích cho rằng, đây là thắng lợi ngoại giao của Iran. Văn kiện của Liên Hợp Quốc lần này chỉ đích danh nhà nước Do Thái và kêu gọi Israel công khai các cơ sở hạt nhân, cũng như cho phép cộng đồng quốc tế thanh sát các cơ sở nguyên tử chưa từng được công bố của nước này. Trong khi Israel chỉ trích văn kiện và gọi đây là “sự giả tạo”, thì đại diện Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Ali Asghar Soltanieh ca ngợi thỏa thuận trên và cho rằng, đây là một bước đi tiến tới mục tiêu xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.

NPT có hiệu lực từ năm 1970, với sự tham gia hiện tại của 189 nước. Cho đến nay, cũng như Ấn Độ và Pakistan, Israel vẫn từ chối ký NPT, trong khi CHDCND Triều Tiên rút khỏi hiệp ước này từ ngày 10-1-2003. Năm 2005, Hội nghị NPT đã thất bại khi không ra được tuyên bố chung vì không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia trong việc ngăn chặn tình trạng phổ biến hạt nhân. Tại Hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh tuyên bố chung của NPT, cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo thành công cho Hội nghị năm 2012, song, người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ khi loại bỏ Israel ra khỏi các cuộc đối thoại. Tel Aviv tuyên bố tẩy chay Hội nghị năm 2012 và khẳng định chỉ tồn tại một Trung Đông phi hạt nhân khi khu vực này đạt được một thỏa thuận hòa bình. 

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.