Các nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ nhóm họp tại Canada để bảo đảm rằng, kinh tế toàn cầu tiếp tục vươn lên từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
Các nhân viên cảnh sát tuần tra bảo đảm an ninh cho Hội nghị G20. Ảnh: Reuters |
Theo AP, trong khi kinh tế toàn cầu đang bắt đầu gia tăng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao và khủng hoảng nợ châu Âu vào đầu năm nay càng minh chứng rằng, việc phục hồi vẫn đang rất mong manh. Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Hãng phân tích Moody - cũng nhận định: Nền kinh tế toàn cầu rất gập ghềnh và mong manh. David Wyss - chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard & Poor’s ở New York (Mỹ) cho rằng nhiều nước đang nhìn vào những gì đang diễn ra ở Hy Lạp và nói rằng nó cũng có thể xảy ra với nước họ.
Từ bài học của Hy Lạp, các quốc gia khác càng quan ngại về mức độ nợ cao và cùng nhau tìm kiếm, theo đuổi các chương trình giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron ngày 22-6 đã công bố một ngân sách khẩn cấp, bao gồm cắt giảm chi tiêu công cộng và gia tăng thuế. Trước đó, Đức, Pháp và Nhật Bản cũng có những động thái tương tự, mặc dù Washington thúc giục châu Âu không cắt giảm chi tiêu chính phủ trước khi đảm bảo được sự phục hồi.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Lawrence Summers - người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ - nhấn mạnh rằng, “nếu lúc này không tăng trưởng thì thâm hụt sẽ gia tăng hơn nữa và làm xói mòn tăng trưởng trong tương lai”. Thủ tướng nước chủ nhà Canada Stephen Harper - người chủ trì các cuộc đối thoại - tuần trước đã gửi thư cá nhân của ông, kêu gọi các thành viên G20 đặt ra mục tiêu tham vọng nhằm giảm thâm hụt ngân sách trước năm 2013. Thủ tướng Harper cho rằng, trong khi các nước phải thận trọng ủng hộ tăng trưởng ngắn hạn thì thật quan trọng để đưa ra các kế hoạch giảm thâm hụt.
Tại Hội nghị G20 lần này, các nhà lãnh đạo cũng sẽ đối mặt với những khác biệt xung quanh nỗ lực của họ trong việc xem xét quy định đối với hệ thống tài chính nhằm bảo đảm cuộc khủng hoảng như năm 2008 sẽ không tái diễn.
Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng, đối thoại G8 sẽ tập trung vào các vấn đề phát triển, trong đó có việc ủng hộ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở những nước nghèo. Theo các quan chức này, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo G8 cũng sẽ tập trung vào hàng loạt vấn đề chính sách ngoại giao, như căng thẳng leo thang giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, chương trình hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng được G20 quan tâm. Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 26-6.
PHÚC NGUYÊN