(ĐNĐT) - Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt thứ tư nhằm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này được phương Tây cho là nhằm mục đích phát triển vũ khí hạt nhân.
HĐBA LHQ tổ chức hội nghị tại Tổng hành dinh LHQ ở New York và thông qua một nghị quyết mới trừng phạt Iran. Ảnh: THX |
Nội dung nghị quyết vừa được thông qua bao gồm việc kêu gọi các biện pháp chống lại các ngân hàng mới của Iran ở nước ngoài nếu bị nghi ngờ có liên quan đến các chương trình hạt nhân hoặc vũ khí, cũng như cảnh giác đối với những giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào của Iran, kể cả ngân hàng trung ương.
Nghị quyết còn đưa 3 công ty do thuộc Iran Shipping Lines và 15 công ty của Đội Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vào danh sách đen, đồng thời kêu gọi thành lập một chế độ kiểm soát hàng hóa như cách đã làm đối với Triều Tiên.
Nghị quyết trên còn đưa cả thảy 40 công ty vào danh sách đen của LHQ. Theo đó, tài sản của các công ty này trên toàn thế giới sẽ bị đóng băng vì đã hỗ trợ cho chương trình hạt nhân hoặc tên lửa của Iran.
Ngoài ra, một cá nhân đã được đưa vào danh sách đen là Javad Rahiqi, người đứng đầu trung tâm nguyên tử Iran, nơi xử lý uranium. Tài sản của ông sẽ bị phong tỏa và ông sẽ bị cấm du lịch ra nước ngoài.
Sau khi nghị quyết được thông qua, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục với việc làm giàu uranium. Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad cho rằng nghị quyết trừng phạt của LHQ là “vô nghĩa” và “nên được ném vào sọt rác".
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc, vốn là hai nước có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Iran, từng chống lại nghị quyết, đã hoàn toàn ủng hộ động thái mới của LHQ là đưa hàng chục doanh nghiệp công nghiệp, quốc phòng và vận tải của Iran vào danh sách đen.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng nghị quyết trừng phạt cũng bao gồm việc kiểm tra hàng hóa bị nghi ngờ là đến Iran và từ Iran đi. Lệnh cấm vận vũ khí Iran vốn đã chặt chẽ, sẽ được gia tăng mạnh mẽ.
Sau 5 tháng đàm phán cam go giữa Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, nghị quyết này đã nhận được sự ủng của 12 trong 15 nước thành viên HĐBA. Đây là nghị quyết được ủng hộ ít nhất trong số 4 nghị quyết của LHQ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran từ năm 2006 tới nay.
Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ rất phẫn nộ với việc các nước đã bỏ qua thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân mà hai nước này đã làm trung gian với Iran. Hai nước cho rằng việc tạo ra một nghị quyết mới trừng phạt Iran là điều không cần thiết và đã bỏ phiếu chống. Trong khi đó Lebanon đã bỏ phiếu trắng.
Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva đã gọi nghị quyết mới này là một sai lầm. Tại Colombia, Ngoại trưởng Hillary Cliton cho biết Mỹ sẽ cản trở và chắc chắn sẽ can thiệp vào tham vọng hạt nhân của Iran.
Quang Hiển (Theo Reuters)