Iran cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới chống Tehran là không công bằng và chẳng khác gì “chiếc khăn tay đã qua sử dụng, cần ném vào sọt rác”.
Từ phải sang: Mỹ, Anh, Uganda bỏ phiếu chống lại Iran. Ảnh: Getty Images |
Lần bỏ phiếu vào sáng 9-6 (tối cùng ngày, giờ Việt Nam) có sự tham gia của cả Trung Quốc và Nga, mặc dù hai quốc gia này trước đó đã tìm mọi cách để giảm thiểu sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Iran. Riêng Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chống, còn Lebanon để phiếu trắng. Phản ứng trước động thái cứng rắn lần thứ tư của LHQ với Iran, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo này tại LHQ Mohammad Khazaee cáo buộc Mỹ, Anh và các đồng minh lạm dụng Hội đồng Bảo an để tấn công Tehran. Đài truyền hình Nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội nước này ngày 10-6 cho hay, Tehran có kế hoạch xem xét lại mối quan hệ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm hạn chế các hoạt động thanh sát đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.
Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: Các biện pháp trừng phạt có thể đóng lại cánh cửa đàm phán trong lúc nó đang mở ra. Nhưng Mỹ gọi đây là một thắng lợi ngoại giao, minh chứng cho sự thống nhất của các cường quốc trên thế giới và là giải pháp ngăn chặn Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, các biện pháp trừng phạt gửi “một thông điệp không thể nhầm lẫn được về cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sự lan rộng vũ khí hạt nhân”.
AP cho hay, Trung Quốc - đồng minh chủ chốt của Iran - cho rằng, trừng phạt không có nghĩa là đóng cánh cửa giải pháp ngoại giao, đồng thời kêu gọi những nỗ lực mới tiến đến đàm phán. Tổng thống Iran Ahmadinejad tối 11-6 sẽ đến Thượng Hải nhưng ông không có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Mối quan tâm chính của Trung Quốc là không muốn các biện pháp trừng phạt đi quá xa, sẽ làm tổn hại đến các quan hệ kinh tế giữa hai nước trong khi Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Tehran trong năm ngoái. Trung Quốc có lượng hàng hóa và máy móc lớn xuất khẩu sang Iran. Hơn nữa, các công ty của quốc gia châu Á này cũng đầu tư lớn vào các dự án năng lượng cũng như các dự án xây dựng đường sá, cầu và nhà máy năng lượng ở Iran… Về phía Nga, Matxcơva ngày 11-6 tuyên bố sẽ “đóng băng” hợp đồng cung cấp cho Tehran tên lửa S-300 theo thỏa thuận được ký trước đó từ năm 2007.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuần trước cho hay, Iran đang vận hành 4.000 máy ly tâm làm giàu uranium và có gần 2,5 tấn uranium làm giàu ở cấp thấp có thể sử dụng cho nhiên liệu. Con số này cũng đủ để tạo thành 2 quả bom hạt nhân nếu làm giàu ở cấp độ vũ khí. Cũng theo IAEA, Iran gần đây bắt đầu làm giàu ở cấp độ cao hơn.
PHÚC NGUYÊN