.

Khủng hoảng nợ bao phủ Hội nghị EU

.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 17-6 tại Brussels (Bỉ) nhằm đối phó thách thức vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (giữa) đến dự Hội nghị tại Brussels. (Ảnh: AP) 

BBC cho hay, mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo EU là những thị trường tài chính công ở Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ năm trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, AP dẫn lời của Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, họ không có kế hoạch thảo luận về khả năng trợ giúp tài chính cho Tây Ban Nha trong lúc Madrid được cho là có thể theo gương Hy Lạp tìm kiếm sự hỗ trợ. Các lãnh đạo EU cũng bác bỏ thông tin trên báo doanh nghiệp Tây Ban Nha El Economista rằng, Mỹ, EU cùng IMF đang chuẩn bị một gói cứu trợ trị giá 307 tỷ USD dành cho Madrid và quyết định này được thông qua tại một cuộc họp bí mật.

Dự thảo văn kiện tại Hội nghị đề cập đến việc các quốc gia thành viên EU trình kế hoạch ngân sách của nước mình lên EC. Reuters cho hay, tình thế khó khăn lâu dài do khủng hoảng nợ, những giải pháp đạt được quy định tài chính khắc khe hơn, gia tăng hợp tác kinh tế vĩ mô, giảm thâm hụt ngân sách trong tương lai… là những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự. Theo các nhà lãnh đạo EU, họ muốn đặt ra mục tiêu 10 năm để làm cho nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn. Một chiến lược mới trong 10 năm về việc làm, tăng trưởng do EC soạn thảo, gọi là “Châu Âu 2020” cũng dự kiến sẽ được thông qua. Theo đó, chiến lược này đặt ra mục tiêu về việc làm, đào tạo và đầu tư, đồng thời chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ chiếm 3% GDP. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn thúc đẩy các quy định ngân sách chặt chẽ hơn, đồng thời khuyến khích Tây Ban Nha nỗ lực cải cách lao động và cắt giảm ngân sách. Trước áp lực từ thị trường và các quốc gia EU khác, ngay trước thềm Hội nghị này, Tây Ban Nha ngày 17-6 đã công bố việc cắt giảm ngân sách, cải cách thị trường lao động nhằm tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng như Hy Lạp. Chính phủ Marid còn khuyến khích các công ty thuê nhân công, thay vì sa thải họ, để giảm tỷ lệ thất nghiệp đang lên đến mức kỷ lục trong khối các nước sử dụng đồng euro - khoảng 20%. Một ngày trước đó, Pháp cũng có những động thái tương tự.

27 thành viên EU vốn đã cam kết ưu tiên cải cách khu vực tài chính sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng áp lực từ khủng hoảng nợ đã buộc Hy Lạp phải nhờ đến sự trợ giúp của IMF và EU vào tháng trước. Khu vực đồng euro cũng đã thiết lập một cơ cấu đảm bảo nợ trị giá 920 tỷ USD như một mạng lưới an toàn trong trường hợp có nhiều quốc gia bị khủng hoảng nợ tương tự. Theo các nhà phân tích, Đức và Pháp đã nỗ lực xóa bỏ những khác biệt đang gia tăng về phản ứng đối với khủng hoảng đồng euro. Nhưng sự chia rẽ vẫn tồn tại dai dẳng xung quanh việc EU nên tránh “hiệu ứng domino” từ khủng hoảng nợ của Hy Lạp - vấn đề đang phủ bóng lên đồng euro và nhiều quốc gia thành viên khác trong khu vực này, đáng kể là Tây Ban Nha.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.